Phải tạo ra đột phá để Đà Nẵng phát huy được vai trò
Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước, trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), các cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của Đà Nẵng; đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, nhất là phải tạo ra động lực mới, đột phá để Đà Nẵng phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Nhiều ý kiến tán thành với việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới nhằm góp phần đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bởi chính sách này đã được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh và hiện đang được thể hiện tương tự tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, cần bổ sung chi tiết, cụ thể một số nội dung để thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc miễn trừ trách nhiệm đối với các thành viên của Ủy ban và Ban quản lý khu vực công nghệ cao nếu thực hiện chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ không đạt yêu cầu và hiệu quả là chính sách nhân văn, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm làm việc. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng, có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này, tránh tạo kẽ hở, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Đánh giá kỹ hơn về nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo là vấn đề mới song làm sao để nắm bắt được cơ hội? Đặt vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nếu không đào tạo được đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ thì có thể các nhà đầu tư sẽ di chuyển đến nơi khác. Do đó, cần đánh giá kỹ hơn những chính sách này để tạo thuận lợi nhất cho Đà Nẵng.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 14 dự thảo Nghị quyết “HĐND thành phố quyết định hỗ trợ từ ngân sách thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ… trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo” và đề nghị phải cụ thể, hơn, bảo đảm công khai, minh bạch để chính sách này đạt hiệu quả nhất.
ĐBQH Triệu Thế Hùng (Hải Dương) đề nghị, từ các chính sách đặc thù đã áp dụng tại một số địa phương, đã đến lúc cần có tổng kết, đánh giá về các chính sách đặc thù, thí điểm để xây dựng thành chính sách chung, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, cùng nhau phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh chung cho nền kinh tế đất nước. Bởi thực tế, nhiều chính sách mà các địa phương chưa có cơ chế đặc thù cũng đang rất cần, như việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tăng thêm nhân sự cho bộ máy công chức, viên chức…