Dành sự quan tâm về thu hồi tài sản tham nhũng, ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nêu rõ, hiện còn đến 40 – 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ, vì một vụ án tham nhũng, giá trị có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của đối tượng phạm tội, tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.
Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng là công việc rất khó khăn, phức tạp, chưa đạt được như mong muốn. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 04 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong những vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Kết quả là 9 tháng năm 2022, thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Do đó, trong thời gian tới phải tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 04 của Ban Bí thư. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung pháp luật thu hồi tài sản còn bất cập, quy định cưỡng chế xử lý sau thanh tra, cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu... Cùng với đó, cần tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án. Trong quá trình điều tra, thanh tra, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm thì có thể có biện pháp ngăn chặn ngay, không để đến lúc điều tra, truy tố xét xử, thi hành án mới ngăn chặn thì đối tượng đã tẩu tán, gây thất thoát tài sản. Trong việc giải quyết các trường hợp thu hồi tài sản liên quan đến yếu tố nước ngoài cần có sự hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi.
Tranh luận với Tổng Thanh tra Chính phủ về thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên còn khó khăn và chưa có giải pháp thu hồi, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, trên diễn đàn Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng nêu nguyên nhân khó khăn khi thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nên chuyển hướng xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều tài sản hơn. Vậy Tổng Thanh tra Chính phủ có tán thành giải pháp này không?
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là những gì có thể xử lý về mặt kinh tế thì xử lý về mặt kinh tế và không hình sự hóa. Thực tế, trong các kết luận thanh tra vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã trao đổi, bàn với cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phân các vụ việc thành 2 dạng. "Thứ nhất, những vụ việc liên quan đến dự án đầu tư, đất đai mà cơ bản mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ như giải phóng mặt bằng và san lấp, chưa triển khai dự án mà có sai phạm không đấu thầu, đấu giá, cán bộ đã xử lý rồi, đối tượng và nhà đầu tư xử lý rồi, thì xử lý sau thanh tra, chúng tôi yêu cầu tiếp tục thực hiện theo kết luận thanh tra. Thứ hai, trong quá trình thanh tra có nhiều trường hợp ở ngưỡng vi phạm hình sự hay là xử lý kinh tế, thì chúng tôi bàn với nhau theo hướng: ưu tiên xử lý kinh tế và xử lý trong một thời hạn nhất định, chứ không để kéo dài. Chúng tôi cho phép trong 1,5 năm – 2 năm để xử lý kinh tế, thu hồi cơ sở nhà đất để tiến hành đấu giá, nhưng sau thời hạn cho phép đó, nếu không thực hiện thì sẽ chuyển cơ quan điều tra", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.