Sửa đổi cơ bản Pháp lệnh 09
Theo Tờ trình dự án Pháp lệnh do Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trình bày, sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09) đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, là công cụ hữu hiệu để Tòa án xem xét, quyết định đưa người vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, vẫn còn một số hạn chế và bất cập như: thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn ngắn gây khó khăn, áp lực trong thực tiễn giải quyết; việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn khi cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập và làm việc của người bị xử lý vi phạm còn thiếu cụ thể, chung chung; thiếu các quy định đặc thù đối với người chưa thành niên về Thẩm phán được phân công phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên; về nguyên tắc bảo đảm tiến hành nhanh chóng, kịp thời, thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên; không cho đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc tạm đình chỉ đối với trường hợp người bị đề nghị ốm nặng là chưa phù hợp với thực tiễn… Những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Pháp lệnh.
Ngoài ra, ngày 13.11.2020, tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó sửa đổi bổ sung nhiều quy định có liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đặc biệt, việc cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Ngày 24.3.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV cũng đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Pháp lệnh số 01), có tính tương đồng với Pháp lệnh số 09. Trong khi đó, Pháp lệnh số 01 có nhiều quy định mới, tiến bộ mà Pháp lệnh số 09 hiện hành chưa có.
Với các lý do trên, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh, Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01 nên cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi.
Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với Toà án Nhân dân tối cao và cho rằng, dự thảo Pháp lệnh đã sửa đổi cơ bản Pháp lệnh 09, quy định mới 02 điều (Điều 7 và Điều 44), sửa 42/42 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách lớn, như: về thẩm quyền của Tòa án (các điều 3, 21, 36); bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện để giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên (các điều 2,10,18, 21, 35…); bỏ quy định về điều kiện giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính (khoản 2 Điều 28 Pháp lệnh 09); bổ sung vào khoản 2 Điều 30 quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị… Đồng thời, việc sửa đổi Pháp lệnh 09 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn.
Quy định chặt chẽ, cụ thể, tránh phát sinh tiêu cực
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và nhấn mạnh thêm, việc sửa đổi Pháp lệnh này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII, góp phần xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh và có chất lượng. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09 được nêu tại Tờ trình.
Thống nhất cao với 6 vấn đề mới trong dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng lưu ý, nội dung liên quan đến thẩm quyền của Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng (Điều 21 và Điều 36 trong dự thảo Pháp lệnh) là vấn đề nhạy cảm trong thực tế. Ranh giới giữa việc “đưa vào trường giáo dưỡng” và “giáo dục dựa vào cộng đồng” trên cơ sở pháp lý có 3 điều kiện quy định xử lý vi phạm hành chính: Là người có nơi cư trú nhất định, đang học tại cơ sở giáo dục, cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Đây là 3 điều kiện "cứng" đã được quy định tại Điều 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra dự thảo Pháp lệnh còn quy định các điều kiện mới như: ý kiến đại diện của UBND cấp xã, ý kiến đại diện của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thành viên của Mặt trận và ý kiến của những người khác tham gia tại phiên tòa, trên cơ sở đó, Tòa án quyết định chọn biện pháp giáo dục. Cho rằng, quy định như dự thảo Pháp lệnh bảo đảm chặt chẽ, song Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cũng đề nghị cần có điều kiện cụ thể hơn để tránh phát sinh tiêu cực.