Có chế tài xử phạt mạnh hơn với các hành vi không tuân thủ
Các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi), nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất.
Quan tâm đến vận chuyển, tồn trữ hóa chất, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, quy định đối với việc tồn trữ hóa chất trong dự thảo Luật còn chưa rõ. Những quy định liên quan đến việc vận chuyển hóa chất, trong đó có hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm còn chung chung, chưa bảo đảm chặt chẽ và an toàn trong quá trình vận chuyển.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất, trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mỗi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất hay chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất có điều kiện.
“Đồng thời, bổ sung đầy đủ hơn quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất, cấp giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, nhất là trong quá trình vận chuyển bằng phương tiện tàu, thuyền trên sông, trên biển”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vận chuyển hóa chất, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, Điều 19, dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm; trách nhiệm hạn chế hậu quả, khắc phục xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Điều này sẽ làm rõ trách nhiệm pháp lý, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan và tăng cường an toàn trong vận chuyển hóa chất.
Liên quan đến quy định về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung các chế tài xử phạt mạnh hơn đối với các hành vi không tuân thủ như: Không công bố hoặc công bố sai lệch thông tin về hóa chất nguy hiểm, nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo tuân thủ quy định về minh bạch thông tin và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chưa quy định cụ thể cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn cho cộng đồng
Qua nghiên cứu các điều trong Chương VII, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, dự thảo Luật mới quy định các nội dung liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chưa quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng như nội hàm của tên chương đã xác định.
Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa nội dung xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước trong Kết luận số 36-KL/TW ngày 23.6.2022 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cụ thể hóa nội dung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng trong Kết luận số 81-KL/TW ngày 4.6.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, bảo vệ quyền con người. Đồng thời rà soát, bổ sung các quy định tại các luật có liên quan, như Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường và các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này như: Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để các quy định tại dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), nhất là liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng được đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đã thảo luận về các hành vi bị cấm; bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hóa chất; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất và quản lý hoạt động hóa chất; sử dụng hóa chất, vận chuyển hóa chất; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất; hóa chất cần kiểm soát đặc biệt...
“Các đại biểu cũng đề nghị rà soát, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tham gia nhiều ý kiến quan trọng khác. Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.