Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ và Trưởng Chương trình Vì sự Sống còn, Phát triển Trẻ em và Môi trường của UNICEF tại Việt Nam Maharajan Muthu đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và một số tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nêu rõ, trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, cơ bản đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Các văn bản quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trẻ em 2016, Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em là những văn bản quan trọng để bảo đảm thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển toàn diện trẻ em.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề như bạo hành, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, buôn bán người, lạm dụng lao động trẻ em cần được quan tâm, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và các dịch vụ phát triển trẻ thơ vẫn còn nhiều thách thức.
Hội thảo hôm nay nhằm cung cấp thông tin cập nhật cho các đại biểu Quốc hội về ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em; vai trò của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường trong phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em; cung cấp thêm cơ sở tham khảo cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và đóng góp ý kiến về quan điểm và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về đánh thuế vào đồ uống có đường trong phòng, chống thừa cân, béo phì; kết quả nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em; kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em đối với Việt Nam; hướng tiếp cận trong phòng, chống thừa cân béo phì ở trẻ em và kiến nghị đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng đồ uống có đường mang đến những tác hại đối với sức khỏe của người dân, trong đó có trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Một số ý kiến cho biết, tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân, béo phì cao hơn ở 5 tuổi; uống thêm mỗi 100 ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6. Trong khi đó, tổng tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023, như vậy đã tăng hơn 4 lần.
Do đó, các đại biểu cho rằng, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hiệu quả để làm giảm tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường và thời điểm hiện nay rất thích hợp và cần thiết để áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức thuế 10% như dự thảo Luật đang quy định là còn tương đối nhỏ, ít tác động. Vì vậy, đề nghị xem xét nghiên cứu lộ trình tăng thuế phù hợp để góp phần phòng, chống thừa cân, bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Đồng thời, cần lưu tâm đến khuyến nghị của WHO về phòng, chống việc tác động của các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này; chấp hành nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật để ban hành được một văn bản luật với những chính sách đủ mạnh.