Bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng khái quát hơn. Theo đó, Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện các chức năng khác theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết theo hướng gắn với từng mảng chức năng chính của Ban, trong đó phân định rõ các nhiệm vụ do Ban chủ trì, làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nhiệm vụ do Ban tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhiệm vụ do Ban chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành, không chồng lấn với thẩm quyền của các cơ quan khác.
Về công tác thi đua, khen thưởng, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng vừa được Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Nghị quyết đã chỉnh lý theo hướng quy định Ban Công tác đại biểu có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc: xem xét, cho ý kiến về việc đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, cán bộ và nguyên cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài và các cơ quan, tổ chức quốc tế (điểm b khoản 2 Điều 2); quy định việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (điểm a khoản 3 Điều 2). Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung quy định Ban Công tác đại biểu có nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng (điểm c khoản 3 Điều 2).
Phải có khung kế hoạch bồi dưỡng đại biểu dân cử hàng năm
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Ủy ban Pháp luật. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát, làm rõ nội dung nào Ban Công tác đại biểu được chủ trì, tham mưu đề xuất; nội dung nào Ban Công tác đại biểu phối hợp với cơ quan nào; nội dung nào cơ quan khác chủ trì nhưng phải phối hợp với Ban Công tác đại biểu.
Cùng với đó, trình tự thủ tục, trách nhiệm của Ban Công tác đại biểu trong việc tổ chức phục vụ, tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia cũng phải rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vấn đề theo dõi, đánh giá đại biểu Quốc hội trong dự thảo Nghị quyết cũng chưa nêu rõ. Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử, trung tâm bồi dưỡng và kế hoạch bồi dưỡng như thế nào? Các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc cần căn cứ vào thực tế diễn biến vừa qua để phát huy, kế thừa những điểm tốt, sửa đổi bổ sung những điểm chưa phù hợp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục rà soát và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý một số vấn đề cụ thể như: công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử hàng năm cần phải thông qua kế hoạch, đề án, khung bồi dưỡng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trên cơ sở đó Ban Công tác đại biểu triển khai thực hiện. Hay việc đại biểu Quốc hội vắng mặt bao nhiêu ngày, 3 ngày thì xin phép ai, 7 ngày xin phép ai, còn hằng ngày thì Tổng Thư ký Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo với Chủ tịch Quốc hội thì cần quy định cụ thể hơn để quản lý chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, sau khi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu cần tiếp thu, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.