“Niềm tin đang trở lại”
Tại tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Chuyển động bất động sản 2024 - Xung lực năm bản lề" do Báo Dân trí tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Hoàng Hải cho biết, nửa cuối năm 2023, lượng giao dịch trên thị trường bất động sản tăng khoảng 113% so với 6 tháng đầu năm. Điều này đồng nghĩa thị trường đã cơ bản vượt qua thời khắc khó khăn nhất và đang lấy lại đà để có những bước phát triển mới, ông Hải phát biểu tại tọa đàm “Chuyển động bất động sản 2024 - Xung lực năm bản lề”, diễn ra sáng 16.4.
Từ góc nhìn của đơn vị phân phối, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Mai Việt Nguyễn Đình Đức cũng tin rằng: “Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua”. Ông Đức dẫn chứng, một số khu vực, dự án có số lượng giao dịch trước và sau Tết rất tốt, thậm chí giá đất tại một số địa phương đã tăng 3 - 5%. Bên cạnh đó, lực lượng môi giới bất động sản quay lại nghề có xu hướng tăng; trong tháng 3, tại Mai Việt Land có khoảng 150 nhân sự.
Sự khởi sắc của thị trường bất động sản được củng cố thêm dưới góc nhìn của Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính. Theo đó, trong quý I.2024 ghi nhận hơn 100 dự án có dấu hiệu chào bán, giới thiệu, kích hoạt quay lại thị trường. Điều đó cho thấy những dự án từng có vướng mắc, khó khăn về dòng vốn, về thị trường “giờ đã trở lại”.
Quan trọng hơn, theo ông Đính, là niềm tin đã quay trở lại với toàn thị trường, bao gồm doanh nghiệp, khách hàng, nhà đầu tư, và chính các nhà môi giới. Có được điều đó là từ những cố gắng rất mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ khi ban hành hàng loạt chính sách quan trọng, như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp… Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, lãi suất, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Phân khúc nhà ở tiếp tục dẫn dắt thị trường
Nhìn nhận về triển vọng của thị trường trong năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, với việc thông qua các luật có liên quan sẽ thúc đẩy thị trường phát triển. Cụ thể, Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội sẽ tạo nguồn cung nhà giá rẻ và giải quyết được vấn đề về giá trên thị trường. Luật cũng đã giảm các điều kiện mua nhà ở xã hội; có các chính sách thu hút nhà đầu tư quan tâm đầu tư nhà ở xã hội, trong đó có chính sách về tín dụng.
Cùng với đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. “Từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành đến UBND các tỉnh, kể cả các quận cùng vào cuộc. Đây là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, lành mạnh, an toàn và bền vững”, ông Hoàng Hải nhìn nhận.
Còn theo ông Nguyễn Đình Đức, trong năm nay, xung lực cho thị trường bất động sản là vốn đầu tư công rất lớn, với 659.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 432.000 tỷ đồng cho hạ tầng. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI tăng 14% so cùng kỳ 2023, trong đó vốn vào bất động sản xếp vị trí thứ hai, chiếm 25%, tương ứng khoảng 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, giá vàng và tỷ giá neo cao nên dòng tiền từ kênh đầu tư vàng, chứng khoán sẽ đổ vào bất động sản.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đánh giá, thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi, trong đó, phân khúc nhà ở sẽ phục hồi trước tiên. Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Flamingo Bùi Quý Trung nhận định, nhà ở vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường, tiếp đến là phân khúc nghỉ dưỡng với sản phẩm vừa phải, hợp túi tiền.
Chia sẻ với ý kiến trên, ông Đức bổ sung, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay có thể phục hồi, tuy nhiên sẽ phục hồi ở những địa phương gần thành phố đông dân nhất Việt Nam, chẳng hạn Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh với những tuyến đường cao tốc kết nối thẳng đến trung tâm Hà Nội. Các sản phẩm đầu tư giá trị nhỏ của bất động sản nghỉ dưỡng như condotel khoảng 1 - 3 tỷ đồng sẽ phục hồi sớm hơn so với biệt thự biển triệu USD.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, “năm 2024 là giai đoạn để khởi động chu kỳ mới của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Chu kỳ mới này được diễn ra thực hơn, sát nhu cầu hơn. Trong giai đoạn này, sẽ không dễ dàng lướt sóng, ăn xổi”.
Để thị trường phát triển bền vững hơn, ông Đính mong muốn chính quyền các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy để một số dự án có thể đưa được hàng vào thị trường, nhất là nhóm nhà ở xã hội, nhà ở có mức giá phù hợp, khi đó sẽ làm tăng sản phẩm nguồn cung cho thị trường, cân bằng việc thị trường đang đói hàng và đang tăng giá. Về phía Bộ Xây dựng, cần khẩn trương hơn trong việc thực hiện theo đúng lộ trình kế hoạch đặt ra, khi đó sẽ giải quyết được vướng mắc hiện nay.