Vẻ vang 99 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam

Vẻ vang 99 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam -0
GS.TS VŨ VĂN HIỀN - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã khởi nguồn cho dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh tụ của Đảng vừa là người viết báo, vừa là người lãnh đạo báo chí.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, trong 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là vào thời kỳ đổi mới. Cho tới năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 671 cơ quan tạp chí, 127 cơ quan báo; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó nhà báo được cấp thẻ là 20.508 người.

Đảng ta coi nhà báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Gắn bó máu thịt với Đảng, báo chí Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh của mình, thực hành chức năng xã hội, hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem, người nghe. Những công cụ tác nghiệp là vũ khí sắc bén của nhà báo trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trưởng thành cùng cách mạng 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện tốt trọng trách của mình với những nội dung chính yếu sau:

1. Báo chí Việt Nam là phương tiện tuyên truyền đắc lực của Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân

Là phương tiện truyền thông đắc lực của Đảng, báo chí Việt Nam được Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động báo chí ở Việt Nam. Đảng lãnh đạo báo chí bằng đường lối mang tính định hướng, thường xuyên chỉ ra cho báo chí những phương hướng cụ thể trong từng thời kỳ. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua việc bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, trước hết là tổng biên tập, cấp ủy thực hiện tốt sự lãnh đạo của mình mà không sa vào những vụ việc cụ thể, hoặc đi quá sâu vào nghiệp vụ, chuyên môn.

Đến lượt mình, những người làm báo Việt Nam xác định: Báo chí cách mạng nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng sẽ không còn sự sáng tạo, ngòi bút sẽ lạc lõng, mất phương hướng. Là phương tiện trọng yếu đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, báo chí làm tròn sứ mệnh động viên toàn xã hội phấn đấu thực hiện đường lối của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Là diễn đàn quan trọng của Nhân dân, thông qua việc phản ánh một cách sát thực, sâu sắc những tâm tư nguyện vọng và những đóng góp của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, báo chí góp phần đưa hơi thở của cuộc sống đến các chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước để từ đó hình thành những nghị quyết mới, chính sách mới nhằm giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội.

Vẻ vang 99 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam -0
Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, phóng viên báo Nhân Dân, tháng 1.1957. (Ảnh tư liệu)
2. Báo chí thực hiện tốt chức năng biểu dương và phê phán

Bám sát tiến trình của sự nghiệp cách mạng và đời sống của đất nước, báo chí phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, những người tốt, việc tốt, những biểu hiện tích cực nảy sinh trong đời sống kinh tế, xã hội. Bản chất của sự nghiệp cách mạng là hình thành và hoàn thiện cái mới, cái tiêu biểu. Cái mới được phản ánh trên báo chí có thể là một sự kiện mới, một phẩm chất mới, một kinh nghiệm mới, một phương hướng mới trong thực tiễn. Cái mới được thông tin có thể lúc đầu còn là cái riêng, cái cá biệt, song trong tương lai, nó sẽ là cái chung, cái phổ biến. Cái mới trong công tác xây dựng Đảng càng được phản ánh khách quan, chân thật bao nhiêu, thì chất lượng xây dựng Đảng càng trong sạch và lành mạnh bấy nhiêu. Biểu dương cái mới có tác dụng rất quan trọng trong việc cổ vũ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời có sức cảm hóa và lôi cuốn quần chúng noi theo.

Báo chí kiên định cổ vũ nhân tố mới, cái mới nhưng đồng thời kiên quyết chống tiêu cực và chống tiêu cực cũng là để cho nhân tố mới thật sự có chỗ đứng. Trong điều kiện hiện nay, khi trong nội bộ của Đảng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, thì việc đấu tranh chống những biểu hiện trên lại càng cần thiết. Báo chí cùng với sự giám sát của Nhân dân, là tai mắt tinh nhạy phát hiện, làm rõ và đưa ra công luận những biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất đó. Thông qua đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực, báo chí góp phần vào cuộc vận động làm trong sạch đội ngũ cán bộ Đảng, bộ máy nhà nước, làm lành mạnh quan hệ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên.

b
Kệ kim cương tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trưng bày 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí Thế giới xếp hạng cổ nhất trên thế giới và 2 tờ báo của Việt Nam. Trong đó, 2 tờ báo của Việt Nam là tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ và Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Hiền Anh
3. Báo chí tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thực hiện chỉ thị của Đảng, báo chí Việt Nam đã tích cực đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, tình cảm, tri thức, nhân cách, đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng xã hội mới theo định hướng XHCN. Nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo đội ngũ các nhà báo mà đã phanh phui được nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Để phát hiện được các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, báo chí đã đi sâu vào các mặt sản xuất vật chất và tinh thần của xã hội, khám phá và phát hiện những hiện tượng làm cản trở sản xuất, những “con sâu” đang đục khoét vào đời sống của người lao động, những kẻ làm giàu bất chính, những nguyên nhân kìm hãm tài năng của quần chúng, chỉ đích danh, đồng thời nêu các biện pháp ngăn chặn và khắc phục những trở ngại đó. Báo chí đã tạo dư luận mạnh mẽ lên án những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội; thói lãng phí, chây lười, làm ăn gian dối, những thói thờ ơ vô trách nhiệm và sợ trách nhiệm, vô tổ chức. Báo chí còn kiên quyết đấu tranh chống thái độ và hành vi trì trệ, chống thói phô trương, ba hoa lãng phí, làm ăn kém hiệu quả. Đây chính là cuộc đấu tranh cho cái tốt thắng cái xấu xa, đấu tranh cho phương hướng đúng, cho hành vi tốt ngày càng được nhân rộng và phát triển vì lợi ích của đất nước và Nhân dân.
Vẻ vang 99 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam -0
Bác Hồ với các phóng viên báo chí. (Ảnh tư liệu)
4. Báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống quan điểm sai trái, thù địch là một phần quan trọng trong đấu tranh tư tưởng, có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng Đảng cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Trong cuộc đấu tranh đặc biệt nhạy cảm và khó khăn này, báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích quan trọng. Là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể, trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, báo chí Việt Nam đã tập trung vào một số nội dung cụ thể.

Trước hết, coi việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là tuyên chiến trên báo chí với những đối tượng đó, mà điều chính yếu nhất, quan trọng nhất lại là tuyên truyền để giữ vững lập trường, quan điểm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, để ai ai cũng thấy lẽ phải, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc với những mục đích xấu. Trên cơ sở nhận thức như vậy, báo chí tuyên truyền, giải thích đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân quán triệt sâu sắc và nhất trí cao với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, bằng những tác phẩm báo chí đa dạng giàu sức thuyết phục, báo chí truyền bá hệ tư tưởng là kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; giúp cho toàn xã hội nhận thức đúng để thống nhất tư tưởng, hành động, không có khoảng trống để các luận điệu thù địch lung lạc. Tất cả những thông tin quan trọng của thế giới và trong nước được các phương tiện báo chí cung cấp đầy đủ mang tính định hướng dư luận để không có sự hiểu biết sai lệch.

b
Các nhà báo Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long... tại trụ sở báo Tin tức ở Hà Nội, năm 1938 (ảnh trái) và báo Le Travail số ra ngày 6-11-1936. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam)

Có thể khẳng định, những hoạt động của báo chí Việt Nam trong gần thế kỷ qua, đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới vừa qua đã có những đóng góp khá nổi bật. Bên cạnh đó, những hạn chế của báo chí trong khi thực hiện những trọng trách của mình cũng khá rõ. Đó là, khi thực hiện chức năng biểu dương và phê phán, vẫn có những tình trạng phản ánh quá mức; hoặc tô hồng, hoặc bôi đen. Cũng có trường hợp phản ánh gương điển hình đáng để công chúng học tập nhưng một thời gian sau lại thấy đó không phải là gương sáng. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội cũng có những nhà báo “nhanh nhảu đoảng” hoặc “thật thà hư”, vô tình làm tiết lộ thông tin, ảnh hưởng đến công tác điều tra phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng. Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch cũng còn nhiều vướng mắc, những lập luận để đấu tranh chưa thật sắc bén, chưa có sức thuyết phục.

Với những thành công và ngay cả còn những mặt hạn chế nhất định trong 99 năm qua, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, báo chí cách mạng Việt Nam đã xứng đáng là một công cụ đắc lực và hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Những trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó nhất định sẽ được lực lượng hùng hậu báo chí cách mạng Việt Nam tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sáng tạo. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển rực rỡ.