Nước sạch nông thôn tiếp tục là vấn đề "nóng"
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề nước sạch nông thôn lại tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” khi đại biểu Trần Ngọc Nam tái chất vấn về việc cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Thanh Liêm (khu vực các xã Thanh Tâm, Thanh Hải, Thanh Hà). Theo đại biểu, thực tế trên địa bàn huyện Thanh Liêm hiện nay, việc cung cấp nước cho người dân khu vực xã Thanh Tâm dù đã được đưa ra rất nhiều, song đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Hệ quả là người dân thôn Trung Hiếu, xã Thanh Hải chưa có nước sạch phục vụ sinh hoạt; việc cung cấp nước trên địa bàn xã Thanh Hà nhiều thời điểm tần suất, khối lượng bơm rất ít, không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt.
Trên thực tế, đây đã trở thành vấn đề cấp thiết được cử tri, Nhân dân kiến nghị nhiều lần tại các hội nghị TXCT của đại biểu HĐND các cấp, được đại biểu HĐND tỉnh đưa ra chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp thường lệ trước đó. Chưa kể, tại phiên họp tháng 4.2023 của Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam, nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề cung cấp nước sạch nông thôn chậm được khắc phục, giải quyết dứt điểm đã được chỉ ra, nhất là về chất lượng nước sạch, việc bảo đảm cung cấp nước đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp cụ thể xử lý, giải quyết dứt điểm, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, Giám đốc Sở NN - PTNT Lê Hoàng Thuyên cam kết: sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm những tồn tại, bất cập về nước sạch nông thôn, chậm nhất trong quý I.2024, người dân sẽ có nước sạch sử dụng.
Tiếp tục một vấn đề được “tái chất vấn” Trưởng ngành NN - PTNT, đó là việc xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đại biểu Thích Đàm Mai cho rằng, hiện nay chất lượng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa cao, nhất là về cơ sở hạ tầng, việc xử lý rác thải, chất lượng nước sạch nông thôn chưa bảo đảm; việc xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả…
Giám đốc Sở NN - PTNT Lê Hoàng Thuyên cho biết, ngay sau chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2021), Sở NN và PTNT đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, quy định mức độ đạt chuẩn đạt chuẩn NTM và các văn bản chỉ đạo triển khai duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng mức độ đạt chuẩn của các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu bảo đảm theo bộ tiêu chí chuẩn của Trung ương. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đôn đốc, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trên địa bàn; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong triển khai thực hiện xây dựng NTM bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu.
Giải pháp nào xử lý ô nhiễm môi trường phía Tây sông Đáy?
Chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN - MT), đại biểu Trần Thị Vi nêu thực trạng ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy hiện vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi từ các nhà máy rác thải và tồn đọng 60.000 tấn rác thải tại thôn Đám Gai ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân, đề nghị Giám đốc Sở TN - MT đưa ra giải pháp cụ thể, rõ lộ trình để giải quyết.
Giám đốc Sở TN - MT Phạm Chí Thống cho biết: Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 28- CTr/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 31.12.2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình 28 của Tỉnh ủy về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông (đường ĐT 494C, 495C), xây dựng hoàn thiện đề án trạm rửa xe tại các khu khai thác trước khi tham gia vào các tuyến giao thông.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các nhà máy, cơ sở sản xuất, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng trong khu vực; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời, kịp thời bố trí nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu của Chương trình 28 về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ.
Có thể thấy, những giải pháp Sở TN - MT tỉnh Hà Nam đưa ra khá đầy đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và hiệu quả trong thực tế như thế nào chắc chắn cần thời gian để kiểm chứng. HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và Nhân dân tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của các trưởng ngành, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.