Tập trung phát triển nhân lực
Thông tin trên được Trưởng phòng Điều phối chính sách, Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản Nagata Yuki chia sẻ tại hội thảo "Tiên phong trong nỗ lực chuyển dịch lao động quốc tế giữa Nhật Bản và Việt Nam".
Theo ông Nagata Yuki, chế độ thực tập kỹ năng mà Nhật Bản đang áp dụng đã bộc lộ một số bất cập, như thực tập sinh chỉ nhận được mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động người Nhật.
Nhiều trường hợp điều kiện lao động không được đảm bảo, thu nhập chưa cao, thực tập sinh không được chuyển nơi làm việc dù công việc không phù hợp, chủ sử dụng đối xử không tốt...
Trước những hạn chế trong chính sách đối với thực tập sinh, đầu tháng 4.2023 hội đồng 15 chuyên gia, học giả và quan chức đứng đầu các tỉnh ở Nhật Bản đã đề xuất một chương trình mới nhằm thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng có nhiều vấn đề này.
"Dựa trên ý kiến của hội đồng chuyên gia, tháng 11.2023 chúng tôi đã nộp báo cáo cuối cùng lên Hội đồng nội các để xem xét, quyết định chế độ mới. Dự luật mới đã được gửi lên Chính phủ Nhật vào ngày 9.2 và dự kiến sẽ được thực hiện sớm nhất vào năm 2027", ông Nagata Yuki cho hay.
Theo đó, chương trình mới mà hội đồng chuyên gia Nhật đề xuất sẽ tập trung vào 3 nội dung cốt lõi.
Một là, ưu tiên bảo vệ quyền lợi con người, tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật.
Hai là, chương trình mới kêu gọi cho phép thực tập sinh tham gia chương trình mới được phép chuyển công việc trong cùng lĩnh vực sau tối đa 2 năm làm việc.
Ba là, từng bước nâng cao năng lực tiếng Nhật cho lao động để thực hiện chế độ xã hội "cùng chung sống".
Lao động Việt ngày càng có nhiều cơ hội
Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nay, lao động Việt Nam đi làm việc theo diện kỹ năng đặc định chiếm 53% (110.628 người trên tổng số 208.000 lao động nước ngoài làm việc tại Nhật), đông nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động tại Nhật Bản.
Ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện nay, lao động kỹ năng đặc định Việt Nam đang làm việc tại Nhật trong 12 ngành nghề bao gồm điều dưỡng; vệ sinh tòa nhà; vật liệu, chế tạo máy, điện, điện tử; xây dựng; công nghiệp đóng tàu; bảo dưỡng ô tô; hàng không; dịch vụ lưu trú; nông nghiệp; ngư nghiệp; sản xuất thực phẩm, đồ uống và phục vụ ăn uống.
Trong đó, dẫn đầu là ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống với hơn 41.800 người; tiếp đến là ngành chế tạo máy công nghiệp, điện, điện tử với hơn 24.800 người; xây dựng hơn 16.500 người.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông tin thêm, tháng 3 vừa qua, hai bên đã tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam cho hơn 300 lao động ở 2 ngành nông nghiệp, chăm sóc điều dưỡng. Ngoài 2 ngành nêu trên, dự kiến từ tháng tới, Nhật sẽ bổ sung thêm các ngành bảo dưỡng ô tô, dịch vụ lưu trú.
Ở một khía cạnh khác cũng rất có lợi cho lao động Việt ôngTakeshi Minami, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết: "Năm nay, các công ty lớn có thể sẽ tăng lương gần 4%". Theo ông Minami, cuộc khủng hoảng lao động khốc liệt ở Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tính đến việc tăng lương nhanh chóng để thu hút được nhân sự từ nhiều nguồn đặc biệt là lao động trẻ. Các nhà kinh tế nhận định, cuộc đàm phán tiền lương sẽ dẫn đến mức điều chỉnh tới 3,9%. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất trong 31 năm qua.
Trước đó, Tổng liên đoàn lao động Nhật Bản (Rengo) đã đưa ra yêu cầu tăng lương 5,85%. Đây là lần đầu tiên mức đề nghị của tổ chức đại diện cho người lao động vượt quá 5%. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động trong các ngành như ô tô, điện tử, kim loại, máy móc hạng nặng, dịch vụ cũng đã yêu cầu tăng lương kỷ lục.
Đơn cử, các công nhân của hãng xe Toyota đặt vấn đề tăng lương lên tới 28.440 yên/tháng và mức thưởng bằng 7,6 tháng lương. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới dự kiến chính thức đáp ứng những yêu cầu đó từ ngày 13.3. Hãng xe Honda Motor và Mazda cũng đã đạt được những thỏa thuận với tiền lương với người lao động từ tháng trước.