1. Sự trở lại đầy ngoạn mục của ông Donald Trump
Năm 2024 đã chứng kiến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vượt qua Phó Tổng thống Kamala Harris - người được kỳ vọng sẽ tiếp nối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Có thể nói, hành trình quay trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump vô cùng khó khăn và nhiều biến động, khi ông phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện pháp lý cũng như bị ám sát hụt hai lần. Song bất chấp những thách thức đó ông vẫn kiên cường vượt qua.
Ông Trump sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng ngày 20.1.2025 - đánh dấu một bước ngoặt chính trị chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Nhiệm kỳ thứ hai của ông được dự báo sẽ giúp kinh tế bùng nổ thông qua loạt chính sách mạnh tay, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và chuỗi thương mại toàn cầu. Đáng chú ý, ông Donald Trump còn được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2024. Đây cũng là lần thứ hai ông nhận danh hiệu này.
2. Hàn Quốc chìm trong bất ổn chính trị
Chính trị Hàn Quốc đối mặt với nhiều sóng gió sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị Quốc hội luận tội do ban bố lệnh thiết quân luật vào đêm 3.12.2024. Bất ổn chính trị kéo dài tại Hàn Quốc không chỉ đe dọa đến khả năng điều hành hiệu quả của Chính phủ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các liên minh chiến lược, các hiệp định kinh tế và chính sách đối ngoại của nước này; đồng thời mang lại rủi ro đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh khu vực.
3. "Lò lửa" Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Năm 2024 đánh dấu sự leo thang chưa từng có ở Trung Đông sau khi Israel mở một mặt trận khác nhằm vào lực lượng Hezbollah ở Lebanon vào đầu tháng 10. Trước đó, trong tháng 9, Israel đã thực hiện hai cuộc tấn công chống lại nhóm này, bao gồm vụ đột kích bằng các thiết bị liên lạc chứa bom và vụ không kích vào trụ sở Hezbollah khiến Lãnh đạo cao nhất của nhóm này là Hassan Nasrallah thiệt mạng. Vào tháng 7, nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cũng bị ám sát tại Thủ đô Tehran của Iran. Năm nay cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Houthi, dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, ảnh hưởng sâu sắc đến mạng lưới vận tải quốc tế.
Trong khi đó, xung đột, đối đầu giữa Israel với Hamas, Iran chưa tìm thấy lối thoát hòa bình. Các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhưng dường như chưa tìm thấy lối thoát trong cuộc xung đột này.
4. Sự sụp đổ của chính quyền Syria
Ngày 8.12 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Syria khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sau gần 14 năm nội chiến, đồng thời đặt dấu chấm hết cho 54 năm cầm quyền của dòng họ Assad. Các chuyên gia cho rằng, dù chế độ Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ một cách chóng vánh nhưng điều này chưa chắc đã giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 14 năm cũng như ổn định tình hình của đất nước Syria trong bối cảnh lực lượng đối lập nắm quyền ở Syria hiện nay gồm nhiều nhóm vũ trang khác nhau, chiếm giữ các vùng đất khác nhau ở quốc gia này.
5. BRICS mở rộng - khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Ngày 23.10, khối BRICS, với các thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã chính thức mở rộng với 5 quốc gia mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ảrập Xêut và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), nâng tổng số thành viên lên 10 quốc gia, chiếm khoảng 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP). Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của BRICS mà còn có khả năng định hình lại bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu. Với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn và sự tham gia của các quốc gia giàu tài nguyên, BRICS đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
6. Năm nóng nhất trong lịch sử
Năm 2024 được khẳng định là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi có số liệu thống kê. Nhiệt độ cao bất thường dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến vài tháng đầu năm 2025. Từ đầu năm đến nay, khắp nơi trên thế giới chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng mạnh mẽ, những đợt sóng nhiệt và hạn hán kéo dài tại nhiều nơi, làm tăng tần suất các vụ cháy rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Năm 2024 cũng chứng kiến những đợt lũ lụt lịch sử. Dù không phải tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có thể được quy cho biến đổi khí hậu, nhưng theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu rõ ràng đang làm gia tăng tần suất và mức độ của các hiện tượng này.
7. COP29 - nhấn mạnh sự cấp thiết của hành động
Tại Hội nghị COP29 diễn ra ở Baku, Azerbaijan, các nước đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, qua đó hình thành công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư xanh, phát triển bền vững và bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Thêm vào đó, các quốc gia phát triển cũng cam kết chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu.
8. AI tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu
Năm 2024, dấu ấn mạnh mẽ nhất của AI là tác động đến bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo Grand View Research, riêng ngành công nghiệp AI đã đạt mức 279,2 tỷ USD và dự báo vào năm 2030 sẽ đạt 1.800 tỷ USD. AI cũng làm thay đổi đáng kể lĩnh vực lao động, việc làm. Với một số ngành liên quan đến y tế, công nghệ hay dịch vụ tài chính, AI đã góp phần tăng năng suất tới 40%. AI cũng dẫn tới làn sóng mất việc làm, nhưng cũng tạo ra các cơ hội việc làm mới. Các chuyên gia dự báo, năm 2025 AI sẽ góp phần tạo ra 97 triệu việc làm mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và giám sát AI.
9. Nhiều bước ngoặt kinh tế toàn cầu
Năm 2024 chứng kiến các quốc gia, từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm lãi suất sau nhiều năm. Tại Nhật Bản, sau 8 năm áp dụng với nhiều tranh cãi, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hồi tháng 3.2024 tuyên bố ngừng chính sách lãi suất âm - lần đầu sau 17 năm. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất từ tháng 6, lần đầu tiên kể từ 2019. Đến nay, cơ quan này đã giảm lãi 4 lần, nhưng để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Mặc dù Mỹ không phải quốc gia đầu tiên hạ lãi suất nhưng lại gây chú ý nhất, khi lần đầu tiên kể từ năm 2020, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%). Đến nay, Fed đã giảm lãi suất 3 lần liên tiếp. Động thái của Fed có tác động lớn trên toàn cầu, khi mở đường cho nhiều quốc gia khác điều chỉnh theo, tạo ra làn sóng nới lỏng tiền tệ lan ra toàn cầu. Theo đó, nhiều nền kinh tế khác như Thụy Sĩ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng điều chỉnh lãi suất. Thêm vào đó, lần đầu tiên sau 14 năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ "thận trọng" sang "nới lỏng hợp lý” nhằm hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Đáng chú ý, Đức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, khi GDP Đức vào năm 2023, đạt hơn 4.400 tỷ USD; trong khi đó GDP Nhật Bản hơn 4.200 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong 55 năm, tăng trưởng kinh tế Đức cao hơn Nhật Bản.
10. Làn sóng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội
Các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram của Meta, TikTok, Telegram trong năm qua liên tục vướng phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Sức ép từ chính phủ và công chúng ngày càng gia tăng khi các nền tảng này bị cáo buộc không đủ nỗ lực trong việc kiểm soát nội dung cực đoan và tin giả. Tương tự như Facebook và Instagram của Meta, TikTok hiện đang đối diện hàng trăm vụ kiện.