Cơ hội từ già hóa dân số
Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, sẽ chỉ không tới 20 năm, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Tuy nhiên, tuổi thọ của Việt Nam cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á. Đồng thời, do giảm sinh, tỷ lệ trẻ em giảm xuống, do vậy, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng lên.
Theo Báo cáo "Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức" của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dù nhận định già hóa dân số không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có, nhưng báo cáo cũng chỉ ra rằng, quá trình biến đổi nhân khẩu học không ngừng đem lại cơ hội, dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội, vẫn có thể có những đóng góp lớn lao không ngừng cho xã hội.
Nói một cách khác, mặc dù già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, song cũng mang đến nhiều cơ hội. Vấn đề là cách thức mà chúng ta lựa chọn để giải quyết thách thức cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mà dân số già hóa nhanh chóng mang lại, nhằm xác định liệu xã hội có được hưởng lợi hay không từ "cơ hội dân số già" như Báo cáo chỉ ra.
Theo Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội GS. Nguyễn Đình Cử, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. Đơn cử, dân số cao tuổi là cơ hội lớn phát triển các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi. Thậm chí, "ở Trung Quốc thị trường này rất triển vọng khi tỷ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ tới 165 tỷ USD/năm". Già hóa dân số sẽ giúp cho nước ta phát triển mạnh hơn các ngành về chăm sóc sức khỏe, công tác xã hội, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề này. Ở nhiều quốc gia Châu Âu hay Nhật Bản có đặc thù dân số già và thường có nhu cầu cao trong nhập khẩu nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe, do đó, nếu Việt Nam làm tốt việc đào tạo lao động ở ngành nghề này sẽ tạo ra một nguồn lực không nhỏ, giúp giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều đối tượng trong xã hội.
GS. Nguyễn Đình Cử cũng cho rằng, người cao tuổi còn là một lực lượng lao động cho xã hội, với khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.
Thách thức trong chăm sóc người cao tuổi
Chia sẻ về vấn đề này Gs Nguyễn Đình Cử đã chỉ ra 3 thách thức lớn khi già hóa dân số diễn ra, trước hết là vấn đề an sinh xã hội. Phần lớn người cao tuổi ở nước ta hiện nay không có lương hưu, cũng không có trợ cấp xã hội và không có tích lũy. Thứ hai là tình trạng sức khỏe của người cao tuổi được cải thiện nhưng chậm. Trung bình mỗi người cao tuổi còn mang đến 2,7 - 3 bệnh.
Thứ ba là hàng triệu người cao tuổi còn sức khỏe, vẫn có nhu cầu làm việc nhưng chưa được đáp ứng. Cuối cùng, sự khác biệt thế hệ ở Việt Nam là rất lớn. Nếu không thông cảm và thấu hiểu sẽ dẫn tới mâu thuẫn và xung đột thế hệ.
Thêm vào đó, thách thức cho mô hình “chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng” là quy mô hộ gia đình ít người ngày càng phổ biến. Xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với người cao tuổi.
Trong khi đó, theo một vài nghiên cứu, khảo sát, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ/góa chồng và tuổi càng cao, phụ nữ đơn thân càng nhiều. Cụ thể, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi.
Để giải quyết những tồn tại trên, Gs. Nguyễn Đình Cử nhận định rằng để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi mỗi gia đình cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời. Đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc phòng ngừa; phối hợp chăm sóc y tế và chăm sóc phi y tế (chăm sóc xã hội), cụ thể là chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng. Về phía nhà nước, cần xây dựng chính sách, kế hoạch về dịch vụ và phân bổ ngân sách theo các cấp và các ngành để bảo đảm người cao tuổi tiếp cận được dịch vụ phù hợp…