Nhiều thành tựu quan trọng
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Yên Bái Lê Quang Lộc, Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (NQ21) về công tác dân số trong tình hình mới đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển với 6 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số "vàng”; thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Nhờ thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung của Nghị quyết 21 mà nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân trong tỉnh về chính sách dân số đã có những chuyển biến tích cực; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt gần 70%; hoàn thành mục tiêu giảm sinh hàng năm 0,1% đến 0,2%, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm đạt chỉ tiêu đề ra; tỉnh cũng đã khống chế và bước đầu kiểm soát được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2% hàng năm; chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân; các chương trình sàng lọc trước sinh, sau sinh, khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…, được quan tâm triển khai thực hiện. Chất lượng dân về thể chất, tinh thần từng bước được nâng lên.
Để nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đặt ra là tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với công tác dân số. Các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình DS/KHHGĐ cần được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và kế hoạch của ban, ngành, đoàn thể.
Quan tâm tới chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số
Đây cũng là một nội dung quan trọng đối với chiến lược dân số tỉnh Yên Bái. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, tỉnh Yên Bái nằm trong 33 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước (2,74 con/1 phụ nữ). Nguyên nhân chủ yếu do đặc thù là tỉnh miền núi, có đông đồng bào DTTS, phân bố dân cư không đồng đều; trình độ dân trí ở vùng cao, vùng sâu còn thấp, phong tục tập quán đa dạng, còn nhiều hủ tục lạc hậu; nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng cao về công tác dân số còn hạn chế, mức sinh còn rất cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trở lên khó kiểm soát; việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sau sinh; khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… chưa đạt mục tiêu đề ra.
Xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, nhằm cải thiện thể chất, nâng cao chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực của địa phương, Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2025, thực hiện giai đoạn II, 2021 - 2025 chú trọng đến việc nhân rộng mô hình tại các xã có tỷ lệ trên 50% đồng bào DTTS sinh sống hoặc có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, trên cơ sở kết quả mô hình điểm tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên và xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên đã thực hiện giai đoạn I.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trong các nhà trường, trong đó, tập trung làm tốt công tác giáo dục sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, giáo dục giới tính cho học sinh; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình dục an toàn. Hướng dẫn đưa nội dung quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn làng văn hóa, gia đình văn hóa tại các thôn, bản, tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình trong các hoạt động của chính quyền, đoàn thể, các câu lạc bộ, tổ, nhóm.
Đề án cũng đặt mục tiêu giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ, nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.