Đơn cử như, Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp được thành lập, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vướng mắc trong khai thác, đặc biệt là doanh nghiệp chưa được chủ động các nguồn chi với quy trình phức tạp, không phù hợp với phương thức hoạt động và nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. Quá trình xét duyệt kéo dài làm mất tính thời sự của nghiên cứu trong khi đó doanh nghiệp cần đưa nhanh kết quả vào sản xuất để cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường.
Điểm nghẽn, nút thắt lớn thứ hai về cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ nghiên cứu. Rủi ro trong nghiên cứu khoa học được hiểu là việc nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, quá trình nghiên cứu đúng phương thức, chi tiêu theo quy định, nhưng kết quả không như dự kiến. Vì sao phải chấp nhận rủi ro thay vì kiểm soát để tránh rủi ro? Điều này xuất phát từ đặc thù lĩnh lực nghiên cứu KH - CN. Chúng ta đều biết, lao động sáng tạo là quá trình tìm tòi, đổi mới luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể thành công và cũng có thể thất bại. Đề tài càng mới mẻ, cấp thiết, tỷ lệ rủi ro càng cao, độ trễ càng lớn, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa.
Thế nhưng, nghịch lý là những quy định hiện hành chưa thực sự quan tâm đúng mức những rủi ro mà ngành phải đối mặt. Một nhà khoa học phải đăng ký chỉ tiêu cụ thể trước khi bắt đầu triển khai đề tài khoa học mới được cấp kinh phí tương ứng. Nguồn lực cho nghiên cứu không phù hợp; kèm theo đó là hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
Cực chẳng đã, không ít nhà khoa học phải ứng kinh phí, thậm chí vay mượn, bỏ tiền cá nhân để nghiên cứu mà chưa biết lợi ích ra sao. Cộng thêm áp lực sản phẩm nghiên cứu phải nhanh chóng được chuyển giao, ứng dụng, vì thế không ít nhà khoa học bày tỏ tâm lý e ngại, không dám nghiên cứu vì nỗi ám ảnh... rủi ro.
Thực trạng này là điểm nghẽn của ngành KH - CN lâu nay. Về lâu dài sẽ triệt hạ mầm sáng tạo, làm giảm sức sống nền khoa học, kìm hãm phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến hoàn thiện sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 với nhiều điểm mới, đột phá. Trong đó, nội dung về chấp nhận rủi ro được mở rộng hơn; thể hiện trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH - CN, đổi mới sáng tạo; cơ chế chấp nhận rủi ro bảo đảm theo thông lệ, công khai, minh bạch. Song điều cốt lõi, bản thân các nhà nghiên cứu phải phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm với sản phẩm nghiên cứu. Mặt khác, cần loại bỏ tư tưởng ỷ lại sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Có như vậy, KH - CN và đổi mới sáng tạo mới thực sự là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.