Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, UBTVQH nhận thấy nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.
Ngày làm việc thứ 10 Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV |
Về cơ bản, các ĐBQH nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để giúp việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trong những nội dung quan trọng đó là dự thảo Luật đã quy định rõ về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư. Nhiều đại biểu cho rằng, cần xem ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư…
ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư nhất định phải thẩm định nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những công nghệ bị cấm chuyển giao thì không cần thẩm định mà nên tập trung thẩm định các công nghệ bị hạn chế chuyển giao. Để thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ nên ban hành danh mục các nhóm công nghệ bị hạn chế để có thể dễ áp dụng và giám sát.
ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường |
Về quy định hồ sơ đề nghị thẩm định, trình tự thẩm định, ĐBQH Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) băn khoăn, việc thẩm định công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chỉ quy định chủ yếu về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và trình tự thẩm định chủ trương đầu tư mà không có quy định về thẩm định công nghệ.
ĐB Bùi Thu Hằng nhấn mạnh, dự thảo Luật nên thiết kế quy định thẩm định công nghệ theo hướng quy định từ khâu chủ trương đầu tư đến khâu quyết định đầu tư. Theo đó, mỗi giai đoạn nên quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện; đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể đối với hồ sơ và trình tự thẩm định đối với các dự án đầu tư công.
Cũng về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, Điều 20 dự thảo Luật đã quy định và giao thẩm quyền tự chủ cho cơ quan chủ trì thẩm định công nghệ trong trong việc chọn hình thức thẩm định và kinh phí thẩm định, cũng như quy định trách nhiệm của các thành viên hội đồng. Tuy nhiên, chưa quy định rõ thành phần hội đồng, số lượng thành viên hội đồng và thuê chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm của các thành viên hội đồng một cách chung chung sẽ khó xử lý vì hội đồng chỉ mang tính tư vấn, việc quyết định theo ý kiến của hội đồng hay không là quyền của người đúng đầu cơ quan chủ trì thẩm định công nghệ.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu tại hội trường |
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy lưu ý, hội đồng thường tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ thẩm định, tuy nhiên dự thảo Luật không quy định xử lý trách nhiệm thành viên hội đồng theo căn cứ pháp lý nào, cho nên việc truy cứu trách nhiệm thành viên hội đồng là khó khả thi. Do đó, cần quy định rõ trong Luật thành phần của tổ chức, cá nhân tham gia, số lượng, trình độ và tỉ lệ chuyên gia trong hội đồng thẩm định, xác định rõ trách nhiệm của hội đồng và từng thành viên hội đồng cũng như kết quả thẩm định, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan chủ trì thẩm định.
Hoan nghênh việc có một chương riêng về thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá, dự án Luật đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác thẩm định. Đây là điểm mới so với Luật hiện hành nhằm tránh việc nhập khẩu các thiết bị lạc hậu, nhập khẩu các công nghệ lạc hậu. Chung ý kiến, ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) cho rằng, một trong những mục tiêu đề ra là làm thế nào để ngăn chặn kịp thời công nghệ lạc hậu tràn về Việt Nam. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định công nghệ trước khi nhập khẩu vào trong nước. Bởi thực tế có những công nghệ được doanh nghiệp mua với giá rất rẻ nhưng giá trên hóa đơn lại rất cao.