Cần giải pháp đồng bộ, đột phá
Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh có những chuyển biến tích cực với dự kiến có 26/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 8,05% (xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 15 cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8%; nông nghiệp được mùa toàn diện; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (vượt 20% kế hoạch); tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch… Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật; công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo và đạt kết quả thiết thực; cải cách hành chính được đẩy mạnh… - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.
2024 là năm tập trung cao để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), song dự báo trên các lĩnh vực, tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức... Do đó, UBND tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, điều hành ngân sách Nhà nước, đầu tư công trong từng giai đoạn cụ thể; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề mới phát sinh... Đồng thời, triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG TRUNG DŨNG
Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng: so với kế hoạch, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt. Triển khai một số dự án công nghiệp lớn còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều nơi còn vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư. Nguồn lực thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới còn khó khăn. Du lịch chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu…
Bàn về các giải pháp tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh tập trung nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, cải cách hành chính... Đồng thời, cho phép các địa phương thực hiện rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phù hợp, thống nhất và giao các sở, ngành chức năng hướng dẫn để tháo gỡ các vướng mắc; ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ sau sáp nhập đơn vị hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thành lập các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các vùng khó khăn...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh có định hướng và giải pháp đồng bộ, có tính đột phá nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị; tập trung công tác tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, vốn, lãi suất, đưa sản phẩm hữu cơ trên sàn thương mại điện tử...
Từ thực tiễn cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà đề xuất UBND tỉnh rà soát, đánh giá và nghiên cứu bổ sung thêm chỉ tiêu xây dựng các phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, nhất là những địa phương khó như thị trấn Vũ Quang; rà soát, đánh giá tổng thể khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh tế tập thể để xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Đại biểu Lê Thành Đông cho rằng: UBND tỉnh quan tâm xem xét, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn TX. Hồng Lĩnh; quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan sớm hoàn thành hồ sơ, trình Chính phủ thành lập Khu công nghiệp Bắc Hồng Lĩnh và sớm ra quyết định thành lập Cụm Công nghiệp Cổng Khánh 3 tại TX. Hồng Lĩnh…
Khuyến khích thu hút đầu tư giáo dục ngoài công lập
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều đại biểu đề xuất: tỉnh cần khuyến khích xã hội hóa giáo dục chất lượng cao, giáo dục ngoài công lập; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hệ thống trường lớp và sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên; tập trung định hướng nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng văn hóa học đường; tiếp tục huy động nguồn lực và phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non, phổ thông tại Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND để tham mưu sửa đổi phù hợp với quy định và thực tiễn…
Theo đại biểu Trần Quang Tuấn, UBND tỉnh cần có định mức định biên cụ thể cho các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành cấp tỉnh; phân luồng giáo viên cấp THPT để có phương án sắp xếp, điều chỉnh biên chế giáo viên hợp lý cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; xem xét việc giao định mức 1,8 giáo viên trên một lớp đối với THCS. Đặc biệt, tỉnh sớm thống nhất phương án sắp xếp, giải quyết diện tích đất và tài sản dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã...
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Hà cho rằng cần tiếp tục quan tâm nhân rộng mô hình trường chất lượng cao và có cơ chế đặc thù cho các trường như một số tỉnh khác; có các chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư giáo dục ngoài công lập; các cấp, ngành nghiên cứu, tránh việc lạm dụng tổ chức quá nhiều cuộc thi trực tuyến như hiện nay…