Thanh Hóa kiên quyết thay thế, thu hồi vốn đối với nhà thầu “yếu”

Trước thực trạng nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ kéo dài, ngay từ những ngày đầu năm 2025, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Quan điểm nhất quán của tỉnh là sẽ kiên quyết thay thế, thu hồi vốn đối với các nhà thầu “yếu”, khắc phục triệt để tình trạng dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí nguồn lực.

Nhiều dự án trọng điểm đang gặp khó khăn

Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn là 1 trong 8 KKT trọng điểm ven biển của cả nước và là trung tâm kinh tế động lực, đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. So sánh với hơn 20 năm về trước, con số thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa vài năm gần đây đã tăng gấp 100 lần, cao nhất là năm 2024 với số thu lên đến trên 55.000 tỷ đồng, KKT Nghi Sơn là một trong những động lực quan trọng, nguồn thu chính. Do đó, thu hút đầu tư hoàn thiện và ngày càng hiện đại hệ thống hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh tại KKT Nghi Sơn là một trong những nhiệm vụ tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cùng đoàn công tác nghe Công ty Xi măng Long Sơn báo cáo tiến độ thực hiện dự án bến Cảng Container Long Sơn. Ảnh: Minh Hiếu
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cùng đoàn công tác nghe Công ty Xi măng Long Sơn báo cáo tiến độ thực hiện dự án bến Cảng Container Long Sơn. Ảnh: Minh Hiếu

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ triển khai và thi công một số công trình, dự án trọng điểm tại KKT Nghi Sơn. Qua kiểm tra cho thấy, KKT Nghi Sơn có tổng diện tích hơn 106.000ha, được quy hoạch thành 3 khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu sinh thái và khu đô thị. Hiện, trên địa bàn KTT Nghi Sơn đang triển khai thực hiện 29 dự án đầu tư công, chủ yếu là các dự án hạ tầng giao thông. Hầu hết các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác và phát huy tác dụng tích cực đối với sự phát triển của KKT Nghi Sơn cũng như của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn 127 dự án đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, dang dở; trong đó có 48 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai.

Đáng chú ý, một số dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn như: Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; dự án đường nối cao tốc Bắc Nam - Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn; dự án KCN Đồng Vàng, KCN số 3, dự án nhiệt điện Công Thanh... hiện cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu.

Cùng với các dự án tại KKT Nghi Sơn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án giao thông lớn trọng điểm và công trình dự án dân dụng, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án vẫn còn dang dở, một số dự án chậm tiến độ kéo dài. Điển hình là Dự án đường từ Trung tâm thành phố Thanh Hóa đến Cảng Hàng không Thọ Xuân có chiều dài hơn 34km được chia làm 3 dự án, khởi công năm 2019. Hiện nay, Dự án 1 đường từ Trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, đoạn từ nút giao Nhồi đến nút giao Nỏ Hẻn đã xong, hiện đang thiếu hệ thống chiếu sáng. Dự án 2 và Dự án 3 là đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường tỉnh 514 và đoạn từ đường tỉnh 514 đến đường vào Cảng Hàng không Thọ Xuân chưa xong, do chưa bố trí đủ nguồn vốn, tạm dừng từ năm 2021, thời gian hoàn thành năm 2023, như vậy cho thấy dự án đã kéo dài.

Thay thế nhà thầu “yếu”, tránh lãng phí nguồn lực

Kiểm tra thực tế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định, đầu tư có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít dự án đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ, thi công kéo dài hoặc đầu tư dang dở, gây lãng phí nguồn vốn, lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Trung ương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế và phòng chống lãng phí, đặc biệt là Chỉ thị số 77 của Bộ Chính trị về “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: tỉnh sẽ rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng triển khai các dự án đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư trực tiếp, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm, từ đó xây dựng kế hoạch khắc phục, tháo gỡ để tiếp tục triển khai và hoàn thành các dự án.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát các dự án đầu tư công chậm tiến độ, không có khả năng hoàn thành, chuyển nguồn vốn để bố trí đầu tư dứt điểm các dự án đang dở dang. Trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả tỉnh. Đặc biệt, nếu nhà thầu nào “yếu” không đủ năng lực thì kiên quyết thay thế, thu hồi vốn theo quy định của pháp luật, không để tình trạng dự án chậm tiến độ kéo dài.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã cho ý kiến về việc đưa ra kỳ họp HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 231 ngày 12.1.2019 của HĐND tỉnh (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 319 năm 2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất các loại thời kỳ 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh). Hiện, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh Thanh Hóa đang thẩm tra kỹ lưỡng, bảo đảm việc tính giá đất phải đúng quy định của pháp luật, tính đúng, tính đủ, không để thất thu, không gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Địa phương

Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Địa phương

Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017, huyện Hoài Ðức (TP. Hà Nội) đã tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đến nay, huyện đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Khánh Hòa nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng
Địa phương

Khánh Hòa nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng

Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10 - 10,5%, giữ vững đà tăng trưởng và thuộc top các địa phương dẫn đầu cả nước. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TẤN TUÂN khẳng định, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kịch bản tăng trưởng với các giải pháp căn cơ chinh phục thách thức, vượt qua khó khăn, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.

Lào Cai phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên mức Chính phủ giao
Trên đường phát triển

Lào Cai phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên mức Chính phủ giao

Đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt ít nhất từ 10% trở lên, vượt mục tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.2.2025, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu: kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Lào Cai năm 2025 phải mang tính tổng thể, khái quát nhưng bảo đảm chi tiết, cụ thể, định lượng được cho từng chỉ tiêu, nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành...

Tây Ninh hợp nhất các sở, kiện toàn nhân sự chủ chốt
Địa phương

Tây Ninh hợp nhất các sở, kiện toàn nhân sự chủ chốt

Thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, Tây Ninh đang đẩy mạnh sáp nhập các sở, ngành, giảm đầu mối quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, tỉnh thực hiện kiện toàn nhân sự, bố trí cán bộ phù hợp, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Điện Biên: Công ty Ánh Tuyết trúng "sát giá" nhiều gói thầu đầu tư công
Địa phương

Điện Biên: Công ty Ánh Tuyết trúng "sát giá" nhiều gói thầu đầu tư công

Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Ánh Tuyết là nhà thầu "quen mặt" trúng nhiều gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm thấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo thống kê từ dữ liệu về đấu thầu, trong những năm gần đây doanh nghiệp này đã trúng hơn 80 gói thầu, với tổng giá trị các gói thầu có sự tham gia của doanh nghiệp này lên tới 1.000 tỷ đồng.