Củng cố nền tảng, phát huy động lực tăng trưởng mới
- Với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh, xin ông chia sẻ về quyết tâm và "kịch bản” tăng trưởng tỉnh Khánh Hòa để đạt được mục tiêu năm 2025?
- 2025 là năm tỉnh phải củng cố tốt hơn các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Do đó, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 10 - 10,5%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao cho các địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Thanh Mai
Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị. Sau khi sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, bộ máy mới đi vào hoạt động ổn định, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động để sắp xếp lại tất cả các tổ chức phối hợp liên ngành theo từng lĩnh vực theo hướng chỉ giữ lại những tổ chức có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, cần thiết, hiệu quả. Một bộ máy công quyền Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả là yếu tố chính để các địa phương nói chung, Khánh Hòa nói riêng thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh phấn đấu tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt từ 13,3% trở lên, khu vực dịch vụ đạt từ 9,2% trở lên và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt từ 3,5% trở lên. Bên cạnh đó, các ngành trọng điểm như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, thương mại đều phải đạt mức tăng trưởng cao; GRDP bình quân đầu người đạt 115,6 triệu đồng/người (tăng 13,9% so với năm 2024).
Với quyết tâm cao nhất, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ. Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, tỉnh chú trọng phát triển các động lực tăng trưởng mới, như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức... Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, đặc biệt là các dự án trọng điểm, chiến lược. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Nhất là các chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, logistics, đổi mới sáng tạo… tạo động lực mới giúp bứt phá trong tăng trưởng kinh tế.
- Những năm qua, kinh tế biển và du lịch được xem là hai trụ cột chính đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xin ông chia sẻ những định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh để phát huy các trụ cột kinh tế và khơi dậy các động lực tăng trưởng mới?
- Để phát huy các trụ cột kinh tế với kinh tế biển là nền tảng và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, khơi dậy các động lực tăng trưởng mới, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra định hướng chiến lược rất cụ thể, bài bản. Trong đó, kinh tế biển sẽ phát triển đa dạng các lĩnh vực; tập trung thu hút đầu tư để phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và Khu vực Vịnh Cam Ranh trở thành vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng - an ninh.
Tập trung hoàn thiện hạ tầng chiến lược, nhất là đối với hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế về phát triển kinh tế biển. Nhất là hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển.
Chinh phục thách thức, vượt qua khó khăn
- Trong năm 2025 - năm cuối nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, ông có thể chia sẻ những giải pháp tỉnh sẽ tập trung thực hiện để biến thách thức thành cơ hội, hiện thực hóa các mục tiêu?
- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là tiến độ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; công tác xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, thu tiền sử dụng đất còn vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án, ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công…
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, gia tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có. Thu hút nhà đầu tư khu công nghiệp mới, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm sử dụng trang thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp thân thiện với môi trường, sử dụng lao động địa phương và đóng góp ngân sách lớn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, tạo quỹ đất sạch cho phát triển các dự án trọng tâm, trọng điểm. Tháo gỡ các "nút thắt", hoàn thiện các thủ tục đối với các dự án tồn đọng, dự án liên quan đến các vụ án, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn ông!