Biển xâm thực gây sạt lở, biến đổi hiện trạng 15 ha đất đai
Biển xâm thực là một loại hình thiên tai nguy hiểm, biển ngày càng tiến sâu vào đất liền, đồng nghĩa một số diện tích rừng phòng hộ bị cuốn trôi, diện tích đất vì thế mà cũng bị cuốn trôi, thu hẹp lại.
Tại Thanh Hoá, với địa hình giáp biển, tình trạng biển xâm thực xảy ra nhiều năm qua ở khu vực thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa). Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn kể từ đầu năm 2022 đến nay, đã gây sạt lở, biến đổi hiện trạng đất đai với diện tích khoảng 15 ha. Trong đó, đất ở bị cuốn trôi, sạt lở khoảng 1.000m2; đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5ha; đất quy hoạch cụm công nghiệp khoảng 2,2ha; đất rừng phòng hộ hơn 11ha.
Ngoài ra, hiện nay nhiều hộ dân tại thôn Tân Xuân bị nước biển dâng cao, vào sân, vườn thường xuyên, vị trí sạt lở chỉ còn cách nhà dân gần nhất khoảng 20m.
Nguyên nhân tình trạng biển xâm thực là do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết bất thường và một phần do nạn hút cát trộm đã làm thay đổi dòng chảy. Chính quyền xã Hoằng Phụ đã phải lên phương án sẵn sàng sơ tán 21 hộ với gần 80 nhân khẩu nằm ở khu vực nguy hiểm, khu vực sạt lở, biển xâm thực.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở, biển xâm thực ở khu vực cửa Lạch Hới (thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến biển xâm thực; cắm mốc, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần; khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, tỉnh đã thống nhất chọn biện pháp xử lý cấp bách tình trạng biển xâm thực ở khu vực phía bắc cửa Lạch Hới là xây dựng kè chắn sóng, chống tình trạng biển tiếp tục xâm thực. “Đây là tình huống khẩn cấp, nên dự án cũng sẽ được triển khai khẩn cấp để nhanh chóng ngăn chặn tình trạng biển xâm thực, đặc biệt là tránh tiếp tục làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân. Tỉnh đã giao cho UBND huyện Hoằng Hóa phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thiết kế để triển khai dự án một cách nhanh nhất”, ông Giang cho biết thêm.
Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân
Ngày 19.12, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở, ngăn chặn tình trạng biển xâm thực ở khu vực phía bắc Lạch Hới, với tổng mức đầu tư 130 tỉ đồng, vốn từ nguồn ngân sách.
Kè chống sạt lở sẽ được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, dài 1,5 km để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực ở khu vực phía bắc Lạch Hới, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, và tài sản của người dân đang bị đe dọa thời gian qua. Đây là công trình được đầu tư khẩn cấp, do từ đầu năm 2022 đến nay, biển đã xâm thực mạnh, cuốn trôi khoảng 15 ha diện tích đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp.
UBND huyện Hoằng Hoá cùng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để gấp rút triển khai xây dựng kè, sớm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.