Nở rộ app kêu gọi đầu tư "tiền lẻ"
Nhiều ý kiến cho rằng, dù chỉ "thu tiền lẻ" nhưng hoạt động của các app nêu trên có thể gây tổn thương cho nền kinh tế và tổn hại cho nhà đầu tư, khi vươn xa tới bất cứ đâu, tới bất cứ ai để huy động vốn tràn lan với số vốn tối thiểu. Đặc biệt, khi số lượng người dùng tăng mạnh cũng sẽ mang tới một lượng giá trị tài sản lớn.
Nếu nhà đầu tư không được trả lãi đúng kỳ thì chỉ với vài chục nghìn đồng, luật pháp sẽ rất khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ghi nhận thực tế, trong thị trường app đầu tư tài chính hiện nay, có sự xuất hiện của “3GANG – Túi tiền của bạn”. Công ty quản lý 3GANG là Công ty CP Lendbiz Capital (địa chỉ: Căn TT5-1B-25, Khu đô thị mới Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai,Hà Nội).
Công ty này hoạt động chủ yếu về việc hỗ trợ vốn cho các Doanh nghiệp & Hộ kinh doanh thông qua gọi vốn từ cộng đồng Nhà đầu tư. 3GANG là một app được Lendbiz Capital dùng để “tận dụng” huy động được vốn tối đa từ nhà đầu tư, với gói tích luỹ từ vài chục nghìn đồng và cam kết “lãi suất cao hơn ngân hàng và sinh lời mỗi ngày”.
Cụ thể, trên ứng dụng 3GANG, mức thấp nhất để nhà đầu tư tham gia chỉ với số vốn ít ỏi 30.000 đồng. 3Gang cũng quảng cáo bằng cam kết như “Tài sản của bạn được quản lý và giám sát bởi các Định chế tài chính hàng đầu Việt Nam (Ngân hàng Quân đội, Bảo Việt, Amber Capital,..)”; “Mọi hoạt động kinh doanh đều được kiểm toán hàng năm bởi công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam AASC”;…đã dễ dàng thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Đáng chú ý, nhóm đối tượng mà 3GANG hướng đến theo như quảng cáo là các cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người muốn đầu tư nhưng không có nhiều vốn.
Thận trọng với các app kêu gọi đầu tư, huy động vốn
Liên quan đến thực trạng huy động vốn qua app đang bùng nổ, mới đây, Bộ Tài chính đã phát đi thông điệp, qua theo dõi, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nắm bắt thông tin về một số doanh nghiệp sử dụng các app giao dịch trên điện thoại di động để trợ giúp các nhà đầu tư chứng khoán đầu tư vào các sản phẩm tài chính.
Các doanh nghiệp này sử dụng các công cụ truyền thông, báo chí để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Tháng 10.2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng phát đi thông báo cảnh báo về các trang web, app giao dịch (Passion Invest, Tikop, Infina, Finhay, Savenow, BUFF…) thực hiện huy động vốn, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, các đơn vị này huy động vốn của nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, trên môi trường internet, có nhiều ứng dụng về đầu tư tài chính. Với lời hứa hẹn lợi nhuận cao, lĩnh vực đầu tư tài chính qua app có nhiều sản phẩm hấp dẫn nhà đầu tư từ việc gửi tiết kiệm lãi suất cao, mua chung bất động sản, đầu tư chứng chỉ quỹ, đầu tư cổ phiếu… với số vốn chỉ từ 10.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế đã có phản ánh về những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của các công ty, ứng dụng đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), UBCKNN đã khuyến cáo các nhà đầu tư trước khi tham gia các ứng dụng, cần tìm hiểu kỹ nội dung của các hợp đồng, đồng thời tìm hiểu về các giấy tờ pháp lý có liên quan, nhất là các giấy tờ liên quan tới việc các sản phẩm đầu tư có được UBCKNN cấp phép hay không, Công ty có chức năng kinh doanh phù hợp hay không. Nhà đầu tư có thể đề nghị Công ty cung cấp các giấy tờ pháp lý như trên để tránh rủi ro có thể xảy ra.
“Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng, để tìm hiểu thêm, nhà đầu tư có thể vào trang thông tin điện tử của UBCKNN. Tại đây, chúng tôi đã công bố danh sách các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán đã được UBCKNN cấp phép thành lập và hoạt động. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện và thận trọng trước khi ký kết các hợp đồng đầu tư” – ông Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước