Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ; Giao thông, Vận tải; Y tế; Quốc phòng; Thông tin và Truyền thông; Công Thương…
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 16 điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành gồm các Điều 3, 7, 11, 15, 17, 21, 27, 32, 48, 50, 51, 52, 53, 57, 59, 60; bổ sung 3 điều là các Điều 8a, 8b, 8c; bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 27; Điều 33; Điều 69; Điều 71 và Chương VI của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua gồm: bảo đảm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp; hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), ban hành quy chuẩn Việt Nam (QCVN), quy chuẩn địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn; tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế; phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo luật; về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng TCVN tiêu chuẩn…
Cho rằng, quy định tại Điều 11 về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng TCVN là một nội dung quan trọng tại dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định các chủ thể được xây dựng hoặc tham gia xây dựng TCVN (góp ý kiến chung chung hay tham gia sâu vào tổ soạn thảo), điều kiện được tham gia và trách nhiệm liên quan để thuận tiện cho việc theo dõi. Ngoài ra, cần bổ sung quy định rõ tiêu chí, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam.
Một số ý kiến lưu ý, quy trình, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố TCVN cần được rút gọn nhưng phải bảo đảm trách nhiệm của các bộ ngành vì khi thực hiện quy trình này vẫn phải tuân thủ quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát quy định tại Điều 51 của dự thảo Luật về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tránh tạo sự không bình đẳng giữa tổ chức đánh giá phù hợp được thành lập tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, các ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành nhất trí cho rằng dự án Luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới; hồ sơ dự án Luật tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng bổ sung báo cáo kết quả rà soát về việc cập nhật quy định tại các hiệp định quốc tế mà nước ta đã tham gia, các luật mới được Quốc hội ban hành; chỉ luật hóa những nội dung đã được thực hiện ổn định, cân nhắc kỹ việc luật hóa những nội dung chưa thực hiện ổn định, có khả năng dễ thay đổi trong thời gian tới…
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phân định việc thể chế hóa Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TC-ĐL-CL) quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo tại dự án Luật này và các Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường, Luật Khoa học - công nghệ...
Để bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, cần quán triệt sâu sắc quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó chú ý kiểm soát chặt các nội dung dễ xảy ra trục lợi chính sách. Đồng thời, đề nghị vụ giúp việc làm phiếu xin ý kiến Thường trực Ủy ban về những nội dung của dự án luật còn có ý kiến khác nhau và báo cáo rõ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tỷ lệ các ý kiến đồng ý với từng phương án cụ thể; Thường trực Ủy ban phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ dự án luật.