Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đồng chủ trì phiên họp.
Tham dự có: Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tiếp công dân Trung ương…
Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nêu rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo của năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7.10.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Tòa án nhân dân các cấp, số công dân đến khiếu nại, tố cáo về hành chính không nhiều và không có vụ việc đông người. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán Nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo về hành chính. Đối với cơ quan hành chính các cấp, số vụ việc khiếu nại đã giải quyết nhiều hơn 23% so với năm 2022; số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền đã giải quyết nhiều hơn 12,5% so với năm 2022.
Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung nêu rõ, qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 có những chuyển biến theo hướng tích cực, cơ bản đạt mức chỉ tiêu phấn đấu đề ra, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tình trạng một số cơ quan chậm gửi Báo cáo đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp xây dựng Báo cáo chung vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc này dẫn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể xem xét, cho ý kiến về Báo cáo theo đúng kế hoạch và nội dung của Báo cáo cũng chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm công tác báo cáo của các cơ quan; rà soát, bổ sung thông tin theo yêu cầu trong Đề cương Báo cáo.
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ cũng như dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, tổng hợp được tương đối đầy đủ tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
So với năm 2022 số đơn các loại do các cơ quan hành chính tiếp nhận tăng 29,6%. Các đại biểu đề nghị, Báo cáo cần phân tích rõ thêm về tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng là do đâu và tập trung ở những nội dung, lĩnh vực nào và khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội hay liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay cấp phép xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023. Qua các ý kiến cho thấy, các đại biểu cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân, phương hướng thời gian tới. Các ý kiến cũng phân tích cụ thể, có nhiều kiến nghị làm sâu sắc thêm nội dung trong Báo cáo của Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp thu đầy đủ những vấn đề được góp ý tại phiên họp, khẩn trương rà soát để hoàn thiện nội dung Báo cáo trong thời gian sớm nhất.