Dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Trung tướng Lê Quốc Hùng.
Luật Căn cước công dân được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật đã góp phần tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đem lại hiệu quả và nhiều tiện ích trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và người dân.
Tuy nhiên, trước sự phát triển về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, Luật Căn cước công dân hiện hành đã không còn phù hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan, cần thiết phải sửa đổi để tiếp tục thể chế hoá quan điểm của Đảng và khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngày 17.3.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đã bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ Năm, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu. Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật và thống nhất đánh giá dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV; giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra để báo cáo Quốc hội.
Theo hồ sơ, dự thảo Luật do Chính phủ trình gồm 7 chương, 46 điều, tập trung quy định 4 nhóm chính sách lớn, gồm: Chính sách 1 - quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân. Chính sách 2 - bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Chính sách 3 - bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước. Chính sách 4 - hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành. Hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình cơ bản đã đầy đủ các tài liệu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: về việc đổi tên của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”; đối tượng áp dụng và quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (Điều 2, Điều 7 dự thảo Luật); thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật); thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật); quy định cấp Căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi (Điều 20 dự thảo Luật); quy định tích hợp thêm một số thông tin vào Thẻ Căn cước (Điều 23 dự thảo Luật); về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV dự thảo Luật)…
Các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm góp phần đơn giản hóa việc giải quyết thủ tục hành chính của công dân. Đánh giá việc xây dựng Luật là đột phá lớn để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số, có tác dụng về chính trị, kinh tế, xã hội rất lớn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, dự thảo Luật có quy định rất tiến bộ là mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đối với việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, đây cũng là bước tiến, tới đây các em đi học, làm việc, khám bệnh rất thuận lợi... Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên có thêm quy định về cha mẹ, người giám hộ trong quản lý, sử dụng căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi.