Chiều 21.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Áp dụng mô hình HĐND và UBND TP. Thủy Nguyên như TP. Thủ Đức nhưng có xem xét các điều kiện cụ thể
Cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh, việc thông qua Nghị quyết sẽ là bước đột phá lớn và tạo cơ hội mới để Hải Phòng phát triển mạnh hơn, tự chủ hơn. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của Hải Phòng, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra Quy chế phối hợp của các cấp chính quyền với MTTQ cùng cấp, tuy nhiên, quy chế này mới đề cập đến vấn đề bầu cử, chưa nói đến chức năng kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, khi chúng ta không tổ chức HĐND ở cấp chính quyền địa phương và để thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết nên đề cập đến vấn đề này, vì lúc đó chức năng kiểm tra, giám sát của HĐND có thể sẽ chuyển một phần sang các cơ quan MTTQ.
Cho rằng, chính quyền đô thị đã được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc thực hiện chính quyền đô thị ở TP. Hải Phòng là rất phù hợp.
“Mô hình chính quyền đô thị của TP. Hải Phòng cũng giống như của TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, chính quyền đô thị chỉ có cấp thành phố. Cấp thành phố gồm HĐND và UBND, không có HĐND cấp quận, HĐND cấp phường mà chỉ có UBND cấp quận và UBND cấp phường là rất hợp lý”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đối với mô hình HĐND và UBND TP. Thủy Nguyên, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ mô hình này không mới, chúng ta đã có mô hình TP. Thủ Đức của TP. Hồ Chí Minh do đó đề nghị áp dụng mô hình của TP. Thủy Nguyên giống như mô hình của TP. Thủ Đức. Tuy nhiên, "không phải TP. Thủ Đức có gì thì TP. Thủy Nguyên có cái đó". Lưu ý điều này, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ, đặc thù của TP. Thủ Đức khác so với đặc thù của TP. Thủy Nguyên, do vậy nên xem xét từ các khía cạnh, điều kiện cụ thể để áp dụng mô hình này.
Cân nhắc quy định chuyển tiếp
Thống nhất về mặt chủ trương, song theo ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), với quy định chuyển tiếp ở khoản 1, Điều 10, dự thảo Nghị quyết có nêu: "HĐND, UBND quận, phường nhiệm kỳ 2021-2026 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30.6.2026" và khoản 2, Điều 10: “Kể từ ngày 1.7.2026, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường mới được bổ nhiệm", thì theo quy định của pháp luật, nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND là 5 năm. Như vậy, năm 2026 Quốc hội chúng ta sẽ hết nhiệm kỳ và HĐND các cấp cũng hết nhiệm kỳ, toàn dân sẽ đi bỏ phiếu để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Theo Điều 10, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 5 năm, kể từ Kỳ họp thứ Nhất của HĐND khóa đó đến Kỳ họp thứ Nhất của HĐND khóa sau. Chậm nhất 45 ngày trước khi HĐND hết nhiệm kỳ, HĐND khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ thì do Quốc hội quyết định hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về nhiệm kỳ của đại biểu HĐND theo nhiệm kỳ của HĐND, đại biểu HĐND được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo. Nhiệm kỳ của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND theo nhiệm kỳ của HĐND cùng cấp. Khi HĐND hết nhiệm kỳ, Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi HĐND khóa mới bầu ra Thường trực HĐND, UBND và các Ban của HĐND.
Như vậy, Điều 10, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã dự liệu trước tình huống là sau khi bầu cử xong thì nhiệm kỳ của HĐND và UBND là kỳ họp đầu tiên của khóa mới và từ ngày họp đầu tiên khóa mới thì nhiệm kỳ của HĐND, UBND sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày họp đầu tiên của khóa mới.
Vì vậy, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, nếu đưa vào dự thảo Nghị quyết với quy định "cứng" là HĐND và UBND quận, phường của TP. Hải Phòng hiện nay kết thúc vào ngày 30.6.2026 "sẽ rất khó và hơi phức tạp".
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghị quyết nên xem lại quy định này và việc thực hiện nhiệm vụ nên theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương - như vậy sẽ thuận lợi hơn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng như Chính phủ trình.
Về cơ cấu tổ chức HĐND TP. Hải Phòng; HĐND, UBND TP. Thủy Nguyên; UBND quận, phường và số lượng cấp phó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí, nhưng đề nghị sắp xếp lại về mặt số lượng, cơ cấu tương tự như đã áp dụng đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đối với TP. Thủy Nguyên, đề nghị áp dụng tương tự như đối với TP. Thủ Đức, có cân nhắc đặc thù của Thủy Nguyên.
Về quy định chuyển tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật sẽ tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phải có hướng dẫn theo đó, có thể sẽ đưa vào Nghị quyết hoặc có văn bản riêng.