Nghe nhắc đến “những con người thầm lặng”, bất giác tôi nhớ đến câu chuyện về “con người cô độc nhất thế gian” của nhà văn Nguyễn Thành Long trong Tùy bút “Lặng lẽ Sa Pa”, cuộc đời chỉ xoay quanh công việc đo gió, đo nắng, tính mây, tính mưa - Họ là những người làm nghề khí tượng, thủy văn.
Trạm Khí tượng Thủy văn Tuyên Quang nằm trên trục đường lớn song có lẽ ít ai biết tới bởi nơi đây yên tĩnh, lặng lẽ tới lạ thường. Đây là một trong những trạm thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Việt Bắc với chức năng quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn, môi trường không khí và nước hay nói một cách nôm na, dễ hiểu là đong đếm nắng mưa. Chào chúng tôi bằng những cái bắt tay nồng ấm, cán bộ nhân viên nơi đây cất tiếng, “anh Minh vừa ngược xe từ Việt Trì lên đây để đón đoàn mình”. Ý họ đang nói tới Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Việt Bắc - Trần Ngọc Minh. Như để che đi cái ngượng ngùng, ông Minh cười xòa, “hiếm khi có nhiều phóng viên tới thăm nơi làm việc của anh em tới vậy!”.
![]() Ảnh: T.Trang |
Giám đốc Trần Ngọc Minh hồ hởi: “sự thành công của bất cứ ngành nào cũng không thể thiếu đi yếu tố con người. Ngành này cũng vậy thôi!”. Không kể thì ai cũng nhận ra, bởi dù đề cập tới công việc chuyên môn hay chia sẻ những câu chuyện rất đời, vẫn thoáng thấy trong lời kể của ông bóng dáng những con người thầm lặng. Đó là những trạm đo mưa nhân dân trên đồi núi cao gập ghềnh, hiểm trở hay những vùng hoang sơ, hẻo lánh. Nói về “thâm niên” hoạt động, những trạm đo mưa nhân dân ra đời từ khi thành lập ngành khí tượng thủy văn và với mạng lưới bảy chục trạm, số lượng cán bộ nơi đây không đủ buộc phải thuê người dân tới làm thay. Chỉ được cấp ống đo theo tiêu chuẩn do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, vậy mà những số liệu do trạm nhân dân cung cấp lại khá chính xác bởi đo đếm tới đâu đều có điện báo rõ ràng, cụ thể.
Chị Trương Thị Thanh Hương - Trưởng trạm khí tượng đưa chúng tôi lên thăm vườn quan trắc ngay sau trạm. Hàng rào trắng bao quanh thảm cỏ non càng tạo nên dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng như phản ánh tính chất của công việc và con người nơi đây. Để xóa tan không khí trầm lắng, chị giới thiệu cho chúng tôi về lều khí tượng đo nắng, đo mưa. Nhiệm vụ của quan trắc viên ở đây chỉ là ghi lại thông tin về thời tiết đã được mã hóa trong các hộp thu số liệu có hình dạng từa tựa như tổ chim bồ câu, rồi thông báo về cho trung tâm xử lý.
Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng “làm công việc đo “ý trời” cực lắm, ngày 4 lần vào 1h, 7h, 13h, 19h, nơi đây còn đỡ vất chứ ở những vùng rừng núi hoang vu, ai trực khí tượng cũng phải leo lên vườn quan trắc cao chót vót trên đồi để đo, ngày này không sao chứ mùa đông rét mướt, lạnh cóng hai tay vẫn phải hoàn thành công việc” - chị Hương chia sẻ.
Vào những ngày giông bão, cán bộ nơi đây có khi phải trực cả 24/24, kiểm tra kỹ những diễn biến bất thường của thời tiết. Nhà gần trạm nhưng có người sống ở trạm còn nhiều hơn ở nhà mình chỉ lo sao hoàn thành nhiệm vụ. So với ba chục năm trước, hiện trạng thiên nhiên đã biến đổi quá nhiều, quy hoạch thủy điện đối với thủy văn cũng vô cùng phức tạp, thành thử muốn có số liệu chính xác chuyển về trung tâm, họ phải dốc sức làm việc, thậm chí không ít người “chậm muộn” cả chuyện trăm năm. Anh Bùi Tất Đạt từng là kỹ sư thủy văn tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Kạn là một minh chứng, hơn 10 năm gắn bó với nghề, da đỏ gay vì nắng gió, chẳng dám lơ là công việc. “Nghề nó tìm tới mình nên khi trẻ làm trên đó chỉ biết tận tâm với công việc thôi. Phải đến khi Giám đốc Minh “luân chuyển cán bộ” cho tôi về thì mới dám nghĩ tới chuyện lấy vợ, có con. Có những người chưa vợ, chưa chồng ở vùng xa xôi, hẻo lánh được ghép vào một trạm, với “chất xúc tác” là cùng đam mê nghề nghiệp, rồi cũng thành đôi” - anh Đạt nói.
Thấy nhiều người tò mò về cuộc sống riêng tư của cán bộ nơi đây, Giám đốc Trần Ngọc Minh cười đáp: “Chẳng phải giấu làm gì, cán bộ trong ngành phần lớn là cha truyền con nối. Cái máu nghề nghiệp trong mình hình như ngấm cả vào con cháu hay sao ấy”. Giới thiệu một nữ cán bộ đang làm việc tại trạm, ông nói: “đồng chí Phượng này cũng nối nghiệp cha, người trước từng là Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tuyên”.
Phượng cười hiền hòa như chính công việc chị đang cống hiến vậy. Thầm lặng thôi nhưng ý nghĩa của nghề khí tượng, của những con người nơi đây đối với cuộc sống lại chẳng nhỏ bé chút nào. Những số liệu quan trắc đo nắng, đo mưa không chỉ đơn giản được tổng hợp để chuyển tới trung tâm dự báo mà còn giúp ích cho rất nhiều ngành ở địa phương từ bảo hiểm tới quân đội, công an. Có những người làm dịch vụ bảo hiểm hành khách đi tàu trên sông cũng tìm tới nhờ xác định thời tiết xem có xuất hiện sương mù hay không. “Mấy ai biết, độ ẩm không khí có ảnh hưởng tới đường đạn, độ ẩm khác thì đường đạn bay khác. Vừa mới hôm qua thôi có người còn hỏi chúng tôi về phân vùng nhiệt độ như thế nào để phát quân trang, quân dụng cho phù hợp” - một cán bộ nơi đây hào hứng khi nói tới tầm quan trọng của công việc mình làm với quân đội. Đối với những vụ án quan trọng, số liệu đo đạc khí tượng thủy văn cũng có ý nghĩa trong việc tìm ra chứng cứ xác thực.
Đúng như lời anh thanh niên trong Tùy bút “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long: “cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, tính nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Có lẽ thời nào cũng thế, những con người làm công việc ấy vì thấy được ý nghĩa với cuộc sống nên hăng say, miệt mài cống hiến, thế nhưng “vẫn hy vọng một ngày không xa, xã hội đánh giá đúng tầm quan trọng của nghề khí tượng, thủy văn” - Giám đốc Trần Ngọc Minh chia sẻ…