Trong số các dự án FDI cấp mới, nổi bật là dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 3 với vốn đầu tư gần 9,9 triệu USD; dự án Nhà máy kỹ thuật vật liệu mới Hengxin Việt Nam với vốn đầu tư 9,8 triệu USD...
Bên cạnh các dự án mới, Thái Nguyên có 10 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD.
Như vậy, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 197 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 10,5 tỷ USD. Kết quả này tiếp tục đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong cả nước về thu hút đầu tư; đồng thời thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thu hút đầu tư nói riêng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các giải pháp: đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường liên kết, kết nối vùng, tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Trên bình diện cả nước, thu hút vốn FDI trong tháng 9 đạt hơn 2,06 tỷ USD, cao hơn so với mức 1,91 tỷ USD của tháng trước. Nhờ đó, tổng vốn FDI trong 9 tháng đã vượt mốc 20 tỷ USD, đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023, song vẫn giảm nhẹ so với 8 tháng đầu năm (0,5 điểm phần trăm).