Thái Lan đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt ở các khu vực đô thị như Bangkok. Các nguồn gây ô nhiễm không khí chính là khí thải xe cộ, hoạt động xây dựng, quy trình công nghiệp và đốt chất thải nông nghiệp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hơn 50.000 ca tử vong sớm ở Thái Lan mỗi năm.
Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một loạt chính sách và quy định để giải quyết ô nhiễm không khí, như tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu, tiêu chuẩn khí thải phương tiện và các quy định về khí thải công nghiệp; thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng để giảm số lượng ô tô. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, ô nhiễm không khí ở Thái Lan vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, Chính phủ và các tổ chức môi trường đã thúc đẩy đạo luật Không khí sạch với mục tiêu lớn nhất là kiểm soát nguồn gây ra khói bụi.
Những điểm đáng chú ý
Hiện tại, đạo luật Không khí sạch có tới 5 bản dự thảo, bao gồm 3 bản do các đảng chính trị đề xuất và 2 bản do các tổ chức công đề xuất. Mỗi dự thảo đều nhằm mục đích kiểm soát và quản lý ô nhiễm không khí vì lợi ích cộng đồng, bao gồm kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ô nhiễm không khí.
Sau khi được Thủ tướng Thái Lan xem xét, 3 bản dự thảo do Đảng Bhumjaithai, Đảng Tiến lên và Công chúng đề xuất đã bị từ chối do có mâu thuẫn với đạo luật Tài chính, và chỉ còn 2 dự thảo đang được xem xét. Tuy nhiên, cả 5 bản dự thảo đều có nhiều điểm tương đồng, với mong muốn giải quyết tận gốc những vấn đề gây ô nhiễm môi trường.
Một số điểm đáng chú ý được nêu ra trong các bản dự thảo của đạo luật Không khí sạch như sau: Đầu tiên, dự luật sẽ ưu tiên quyền của công dân. Theo đó, Chính phủ có nhiệm vụ cảnh báo hoặc cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến công chúng. Đồng thời những công dân bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm không khí sẽ có quyền được nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí. Mọi công dân sẽ có quyền tham gia và làm việc với khu vực công trong việc xác định chính sách, chuẩn bị kế hoạch và thực hiện các kế hoạch liên quan đến quản lý không khí sạch.
Thứ hai, là tiêu chuẩn về không khí sạch và kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí. Ủy ban Quản lý Không khí sạch sẽ được thành lập và trao quyền, cùng với các cơ quan khác, để xác định các tiêu chuẩn và chỉ số về chất lượng không khí sạch cũng như các tiêu chuẩn để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí. Cục Kiểm soát ô nhiễm sẽ được giao nhiệm vụ giám sát chất lượng không khí và chuẩn bị báo cáo hàng năm về ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Việc thực hiện các kế hoạch cải thiện chất lượng không khí sẽ chủ yếu do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nội vụ giám sát.
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ra ô nhiễm không khí. Doanh nghiệp sở hữu các nguồn ô nhiễm không khí phải tuân theo các tiêu chuẩn kiểm soát dựa trên các quy tắc có trong đạo luật Không khí sạch. Theo đó, các doanh nghiệp hay chủ sở hữu phải có sẵn hệ thống, công cụ để xử lý ô nhiễm không khí đó. Việc xả khí thải không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm không khí sẽ bị phạt theo quy định lên tới 50.000 THB. Bên cạnh đó, việc đốt ngoài trời từ trước đến nay vốn được tiến hành như một quy trình nông nghiệp đối với một số loại cây trồng, song các quy tắc mới sẽ cấm các hoạt động này, trừ khi có sự chấp thuận của thống đốc tỉnh. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền ban hành các tiêu chí và biện pháp quản lý các hoạt động đốt ngoài trời.
Thứ tư, dự luật sẽ đưa ra các ưu đãi và biện pháp kinh tế nhằm khuyến khích thay đổi hành vi nhằm ngăn ngừa ô nhiễm không khí, bao gồm thuế không khí sạch, phí xử lý không khí, xác định quyền và chuyển giao quyền xả khí thải cũng như trợ cấp cho các hoạt động thúc đẩy không khí trong lành.
Đặc biệt hơn cả, là đạo luật Không khí sạch cũng quy định các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới thông qua hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm cho việc này. Các chủ sở hữu các nguồn ô nhiễm tại các nước láng giềng, nếu gây ra hoặc góp phần gây ô nhiễm không khí ở quốc gia này, sẽ bị coi là thực hiện hành vi vi phạm ở Thái Lan, và những người đó sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về những thiệt hại liên quan, cũng như bị phạt theo quy định. Mức phạt theo quy định trong trường hợp này có thể rất cao, lên tới 2 triệu THB và mức phạt hàng ngày lên tới 1 triệu THB, trong khi tổng số tiền phạt được giới hạn ở mức 50 triệu THB.
Đẩy mạnh các biện pháp khác
Song song với việc thúc đẩy đạo luật Không khí sạch, Thái Lan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khác nhằm ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ lĩnh vực nông nghiệp. Vào ngày 4.12.2023, Nội các Thái Lan đã phê duyệt một dự án trợ cấp với ngân sách khoảng 8 tỷ THB nhằm giúp người nông dân có thể trồng “mía tươi chất lượng tốt”, không bị đốt cháy hoặc bị ô nhiễm. Khoản trợ cấp này nhằm mục đích giúp giảm bớt các vấn đề về hạt PM2.5 thường xảy ra trong mùa khô (khoảng tháng 11 đến tháng 3) ở Thái Lan, trùng với mùa trồng mía.
Ngoài ra, Nội các cũng đã phê duyệt chiến lược phân bổ ngân sách quốc gia sẽ được đề xuất vào đầu năm, trong đó bao gồm các chiến lược giải quyết các vấn đề môi trường, như một chương trình nghị sự cấp bách quốc gia.
Mặc dù, Quốc hội Thái Lan vẫn còn đang xem xét liệu đạo luật Không khí sạch, cũng như các biện pháp khác có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay của Thái Lan hay không, nhưng những diễn biến tích cực này thực sự là một bước tiến quan trọng để quốc gia này sớm mang lại chất lượng không khí tốt cho người dân.