Bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông
Đa số ĐBQH tán thành việc thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; bảo đảm sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, giao thông đường bộ có nội hàm liên quan đến tất cả người dân. Bởi, toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, học tập, giáo dục, thể thao, lao động ở góc độ nào đó đều có ít nhiều liên quan đến giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt lĩnh vực du lịch, mỗi năm có hàng chục triệu du khách quốc tế đến với Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách. Thời gian vừa qua, nước ta cũng đang từng bước áp dụng thí điểm việc cho phép những phương tiện xe cơ giới nước ngoài đi qua cửa khẩu và vào nội địa… Do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra với dự thảo Luật này là phải khái quát, dễ hiểu để người dân nắm bắt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, dự thảo Luật nên tập trung quy định về những quy tắc mà người dân cần tuân thủ nhằm phát huy hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Đơn cử, tại Chương II quy định về quy tắc giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, nội dung chương này cần được làm sâu sắc hơn, bảo đảm thống nhất các quy chuẩn, quy tắc về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ quy định tại Điều 9 về việc thắt dây an toàn, thì đây chỉ là một biện pháp để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, chứ không phải là quy tắc giao thông.
Hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông
Đối với giao thông đường bộ, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông là vấn đề rất quan trọng. Đặt vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách so với Luật hiện hành, như quy định trẻ dưới 7 tuổi khi qua đường phải có người dẫn; gắn biển an toàn, gờ giảm giảm tốc độ ở khu vực có trường học, các cơ sở giáo dục phổ thông…
Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số quy định của dự thảo Luật về bảo đảm an toàn cho trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị vẫn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm. Ví dụ, đối với trẻ em điều khiển xe đạp hoặc ngồi trên xe đạp, thì đây là tình trạng còn khá là phổ biến ở các khu vực nông thôn, khu vực miền núi, thậm chí ngay ở các đô thị, trẻ em sử dụng xe đạp đến trường cũng khá nhiều. Song, dự thảo Luật chưa quy định trẻ em khi dùng phương tiện xe đạp tham gia giao thông cũng cần phải đội mũ bảo hiểm.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị, cần quy định nội dung này ngay trong dự thảo Luật. Theo đó, nếu trẻ em dưới 6 tuổi ngồi sau, thì phải có thiết bị an toàn và đội mũ bảo hiểm.
Hay đối với với phương tiện xe máy, dự thảo Luật cũng đã có quy định một số nội dung bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia phương tiện xe máy. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị cần bổ sung quy định, đối với trẻ em ngồi sau xe máy, thì phải có đai an toàn. Cụ thể với trẻ em dưới 4 - 6 tuổi, thì phải có ghế an toàn; đối với trẻ em 6 - 10 tuổi, thì phải có dây đai an toàn để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Cùng quan điểm, ĐBQH Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay có nhiều trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng có sử dụng nhiều loại phương tiện tham gia giao thông mà luật pháp chưa quy định điều chỉnh. Cho rằng đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho giao thông đường bộ, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị, cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể nhằm hạn chế tình trạng này.