Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, trong Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 18.10, tại Hà Nội.
Bảo đảm sức khỏe cho đất là nhiệm vụ trọng tâm
Ngày 11.10.2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức phê duyệt Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung, Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng” được xây dựng nhằm bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp bền vững và an toàn sinh thái. Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung yêu cầu, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần làm rõ trách nhiệm, nội dung, nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện, của từng trong thời gian tới để Đề án đi vào cuộc sống.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe đất, như đất đai bị suy thoái do xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các vùng thấp và sự lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất, khiến dinh dưỡng cây trồng trở nên khan hiếm và mất cân đối. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Tin cho rằng, về chất lượng đất, sức khỏe đất nói chung, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu. Việt Nam đang vững bước trên con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, nên càng cần có dữ liệu đất.
Tuy nhiên, để có một bộ cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt thì cần hệ thống lại, nghiên cứu hoàn thiện. Một trong những điểm yếu về đất là nước ta chưa có ứng dụng (app) về dữ liệu đất, đầu ra cũng như đầu vào. Hầu như năm nào cũng có công trình nghiên cứu về đất, về phân bón, song còn rời rạc. Chúng ta cần những chương trình có sự phối hợp, quy mô như nghiên cứu về giống lúa, giống cây trồng. Do đó, ông Tin kiến nghị, các nghiên cứu sắp tới về đất cần thay đổi, có sự đầu tư bài bản. Đến đầu 2025, các Viện nghiên cứu của Bộ, các cơ quan đã tham gia Đề án, cần chung tay hoàn thiện cơ sở dữ liệu…
“Hiện nay, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa... đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng… Do đó, cần đưa Đề án vào cuộc sống, sớm có giải pháp nâng cao chất lượng, sức khoẻ đất trồng hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh.
Đất khỏe thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Theo nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Văn Bộ, Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt là điều rất tuyệt vời, bởi đất đai là đối tượng quản lý của rất nhiều Bộ, ngành. Hơn thế, đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của của rất nhiều các lĩnh vực kinh tế, xã hội…
“Để có thể nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng một cách hiệu quả, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực. Nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón; đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khoẻ của đất…”, PGS. TS Nguyễn Văn Bộ nêu ý kiến.
Chuyên gia về đất của Tovohery Rakotoson (Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế - IRRI) chia sẻ, Mỹ đã đưa sức khỏe đất vào nghiên cứu, áp dụng từ năm 1910. Với những kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, giúp những người nông dân được tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật cao nhằm tăng chất lượng nông sản bằng các giải pháp như: cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất, tăng cường sử dụng kỹ thuật số với ứng dụng số (app), để cung cấp các số liệu về lượng phân bón hợp lý, dinh dưỡng đất...
“Cùng với đó, chúng tôi phát triển giải pháp thay thế phân bón hóa học. Với việc kết hợp với các công ty sản xuất phân bón, chúng tôi sẽ đưa ra sản phẩm phù hợp, góp phần phát triển đất trồng trọt bền vững, phù hợp với các yêu cầu của Việt Nam", chuyên gia về đất của IRRI Tovohery Rakotoson cho biết.
Tham luận tại Hội nghị, PGS.TS Cao Việt Hà (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, để quản lý sức khỏe đất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng việc đào tạo con người cũng là yêu cầu hết sức cấp thiết.