Vướng trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Bình đánh giá, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các dịch vụ công là một nội dung hết sức quan trọng trong xây dựng thể chế. Đồng thời, chỉ rõ kết quả triển khai tại các Sở Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thể thao, Thông tin - Truyền thông còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Trần Thế Cương cho biết: UBND thành phố đã chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để triển khai ngay từ năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế đây là lĩnh vực rất khó, do đó, tại kỳ họp này, HĐND thành phố mới chỉ thông qua nghị quyết quy định về giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng tạm thời trong thời hạn 1 năm trong khi chờ ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật. Về tiến độ hoàn thành, lãnh đạo các sở đều khẳng định sẽ sớm xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để trình HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là nội dung rất quan trọng; có ý nghĩa hết sức thực tiễn thể hiện sự minh bạch nhằm xã hội hóa dịch vụ công, là cơ sở để thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, là căn cứ để giao ngân sách chủ động. "Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất khó, từ tháng 8.2022, Chủ tịch UBND thành phố đã giao trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu trong năm 2022 phải cơ bản xong các định mức kinh tế kỹ thuật nhưng đến nay tiến độ thực hiện cơ bản chậm", Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn nhìn nhận.
Để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian tới, Sở Tài chính đề xuất tập trung thực hiện một số giải pháp mạnh, như: đề xuất đơn vị nào không xây dựng được định mức, đơn giá thì thành phố không giao dự toán ngân sách cả năm mà chỉ giao dự toán quý I để thực hiện; tập trung hoàn thành định mức, đơn giá những lĩnh vực cấp thiết như vận chuyển rác, xử lý rác thải... Riêng đối với những nơi chưa thể ban hành đơn giá, Sở Tài chính kiến nghị cho phép ban hành đơn giá tạm thời để áp dụng như lĩnh vực giáo dục đã thông qua tại kỳ họp lần này.
Đi sâu làm rõ hơn nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, thời gian qua, UBND thành phố rất quan tâm, chỉ đạo bài bản, quyết liệt, nhưng khi bắt tay vào làm điểm ở lĩnh vực giáo dục và văn hóa - thể thao mới bộc lộ khó khăn. Theo quy định, để làm được đơn giá phải có định mức kinh tế kỹ thuật, trong khi đó nhiều nội dung phải chờ quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành. Trước thực trình trạng trên, vừa qua, thành phố đã vận dụng quy định là nếu chưa có định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ thì địa phương có thể áp dụng mức bình quân 3 năm liền kề để xây dựng đơn giá tạm thời khối giáo dục.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính
Chất vấn về nội dung phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính và quy trình nội bộ các đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Minh Tuân cho biết: qua giám sát của HĐND thành phố, hiện vẫn còn 86 thủ tục hành chính chưa được ủy quyền, 132 thủ tục hành chính chưa ban hành quy trình nội bộ; trong khi các nội dung này được UBND thành phố yêu cầu phải xong trong năm 2022. Do đó, đại biểu đề nghị Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết nguyên nhân và giải pháp.
Còn đại biểu Đàm Văn Huân dẫn chứng, hiện Sở Tài nguyên - Môi trường mới ban hành được 6/95 quy trình nội bộ; Sở Kế hoạch - Đầu tư ban hành được 10/50; Sở Xây dựng ban hành được 11/80. “Vậy nguyên nhân chậm trễ do đâu, bao giờ thì các sở hoàn thành ban hành quy trình nội bộ?”, đại biểu chất vấn.
Trả lời các đại biểu, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết: ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính là điểm sáng nổi bật của Hà Nội thời gian qua, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu cả nước. Theo kế hoạch ủy quyền mà UBND thành phố đề ra là 617 thủ tục. Đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, theo thống kê mới nhất là đã thông qua 531/617 thủ tục. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính được phê duyệt danh mục đều đã có quy trình nội bộ. Đối với số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay có liên quan đến 6 sở, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở, dự kiến trong tháng 7.2023 sẽ có 27 thủ tục hành chính được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%.
Về quy trình nội bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết thêm: thời gian qua, sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành 6 quyết định về quy trình nội bộ của sở và đã ban hành xong 89/108 quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ. "Với 19 quy trình còn lại, phấn đấu sẽ hoàn thành trong quý III.2023", ông Cường cam kết.
Còn Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, ngay sau buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND thành phố, đơn vị đã nhận thức được việc phải tiếp tục rà soát, khẩn trương ban hành quy trình. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023 sẽ rà soát, ban hành nốt các thủ tục hành chính liên quan đến quy trình của sở. Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Anh Quân khẳng định, sở vẫn còn thiếu 36 quy trình nội bộ và phấn đấu trong tháng 7.2023 sẽ ban hành đầy đủ; các nội dung, quy trình liên thông sẽ làm xong trong năm 2023.