Hiện nay, EVN đang nghiên cứu, xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng phù hợp với chương trình phát triển điện lực trong Quy hoạch điện VIII, thúc đẩy phát triển các loại hình năng lượng sạch nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, EVN mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp với AFD thông qua các khoản vay không bảo lãnh Chính phủ; các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng…
Phó Tổng giám đốc AFD Marie-Hélène Loison đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa EVN và AFD trong các dự án như Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, dự án tăng cường lưới điện phân phối miền Nam của EVNSPC… Đối với các dự án đang triển khai, EVN cũng đã có những sự chuẩn bị tích cực và phối hợp chặt chẽ với AFD, đặc biệt là quá trình chuẩn bị cho khoản vay dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái.
Phó Tổng giám đốc AFD cũng khẳng định, trong thời gian tới, AFD sẵn sàng đưa những nguồn lực tốt nhất về tài chính năng lực tư vấn kỹ thuật để hỗ trợ EVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Triển khai các cam kết của Liên minh châu Âu (EU) tại Quỹ chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) cũng như nhằm hỗ trợ Việt Nam nói chung và EVN hướng tới mục tiêu của JETP; EU đã chấp thuận nội dung Quỹ chuyển dịch năng lượng giữa nhóm nhà tài trợ châu Âu và EVN (ETEF). Theo đó, EU đã ủy quyền cho AFD quản lý nguồn hỗ trợ tài chính để các nhà tài trợ châu Âu thực hiện hỗ trợ kỹ thuật, nhằm chuẩn bị và thu xếp khoản vay không bảo lãnh Chính phủ cho các dự án chuyển dịch năng lượng của EVN; nâng cao năng lực và hỗ trợ EVN trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Nhân chuyến công tác của AFD, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn và ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam đã trao đổi Biên bản ghi nhớ giữa EVN và AFD về triển khai các hợp tác kỹ thuật trong khuôn khổ Quỹ ETEF.