
Tại thảo luận tổ, các ĐBQH đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới mà Chính phủ đưa ra, như: hoàn thiện thể chế, pháp luật, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo… Các ĐBQH khẳng định, đề án của Chính phủ có tính khả thi cao, nhưng cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp căn cơ và cụ thể hơn nữa.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, trong kịch bản tăng trưởng của Chính phủ cần quan tâm làm tốt các động lực tăng trưởng truyền thống, như: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vốn đã vướng mắc trong nhiều năm, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, kịch bản tăng trưởng của Chính phủ chưa xác định các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi số, khoa học công nghệ, kinh tế số theo chiến lược của Chính phủ. Đây là các động lực tăng trưởng mới mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý và nguồn lực để các địa phương thực hiện hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng. Đây là vấn đề chưa được nói đến trong kịch bản của Chính phủ.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) khẳng định, đầu tư công chậm giải ngân, kém hiệu quả là rào cản lớn nhất cho tăng trưởng. Do đó, cần thành lập “Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công” trực thuộc Chính phủ để tháo gỡ ngay các vướng mắc; áp dụng nguyên tắc “Giải ngân nhanh - Thưởng, chậm - Kỷ luật”: Địa phương nào chậm giải ngân sẽ bị cắt giảm vốn cho năm sau; tăng cường kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, tránh lãng phí, thất thoát ngân sách; đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP) để huy động vốn tư nhân cho hạ tầng.

Cũng theo đại biểu Khải, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình đầu tư cũng là một trong những việc cần làm để tháo gỡ rào cản cho môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thực tế khi các doanh nghiệp “khỏe” thì nền kinh tế cũng “khỏe” và tăng trưởng mạnh. Theo đó, ĐBQH Trần Văn Khải đề xuất cắt giảm 50% thời gian xử lý thủ tục đầu tư bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong xét duyệt; bãi bỏ ngay các điều kiện kinh doanh không cần thiết gây cản trở doanh nghiệp; triển khai cơ chế “Một cửa liên thông quốc gia” cho tất cả các dự án đầu tư.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD), trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng). Điều này có nghĩa rằng mức bội chi sẽ tăng thì nguồn lực đầu tư sẽ lấy từ đâu? Các ĐBQH cho rằng, trong kịch bản phải xác định mức tăng bội chi để tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tham gia góp ý giải pháp để đạt mức tăng trưởng 8%, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề xuất một số giải pháp như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất lao động, cải cách mạnh mẽ thể chế. Đại biểu Bình nêu thực tế, việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh có thể gây áp lực lạm phát, nợ công, hệ thống tài chính,… Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng lao động nước ta dồi dào nhưng trình độ lao động chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, kinh tế số, công nghệ cao. Đồng thời, thách thức từ cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Do đó, cần duy trình chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát; tập trung các giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh đầu tư giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; thu hút đầu tư để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm…