Trong buổi sáng 8.8, Hội nghị đã nghe các báo cáo, tham luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Hội nghị nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các thành viên Ủy ban, bức tranh toàn cảnh về di sản văn hóa Việt Nam cũng như các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời là sự chuẩn bị bước đầu của Ủy ban cho việc thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau này.
Trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Bảy
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa giá trị tới bạn bè quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội… Những năm qua, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rõ chủ trương cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới.
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Khóa X ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều di sản văn hóa sau khi được kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, tu bổ, phục hồi đã trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân trong nước và du khách nước ngoài, đem lại nguồn thu ngân sách cho các địa phương và việc làm, thu nhập cho người dân nơi có di sản.
Tuy nhiên, sau 22 năm thi hành, Luật Di sản văn hóa và hệ thống văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn; nhiều quy định thiếu cụ thể; nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có quy định điều chỉnh gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, Quốc hội đã quyết định xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Bảy tháng 5.2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ Tám tháng 10.2024.
Một số nội dung cần quan tâm
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị cần quan tâm một số nội dung khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Đối với lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, cần nghiên cứu quy định cụ thể về các loại hình di tích làm căn cứ cho việc bổ sung quy định chính sách về đầu tư, quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị phù hợp; quy định cụ thể hơn về khu vực bảo vệ II của di tích; nghiên cứu quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích...
Đặc biệt, nghiên cứu quy định cụ thể về mô hình ban quản lý di tích, phân cấp thẩm quyền quản lý di tích, thành phần Ban quản lý di tích để tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong công tác quản lý di tích. “Có các quy định về quản lý di tích khảo cổ học, giám định cổ vật; quy định cụ thể hơn về điều kiện công nhận bảo vật quốc gia”, PGS. TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị.
Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, nghiên cứu quy định cụ thể các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; quy định rõ về phân cấp thẩm quyền ban hành và thực hiện Chương trình hành động quốc gia, Kế hoạch hành động, các báo cáo, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào các danh sách.
Quy định về vai trò, sự tham gia của của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; sửa đổi, quy định rõ hơn về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nắm giữ di sản, quy định đầu mối ở Trung ương có trách nhiệm về công nhận, đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian; sửa đổi các quy định bất cập trong các văn bản hiện hành, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Ngoài ra, nghiên cứu hoàn thiện quy định về quy hoạch, xếp hạng bảo tàng, về chức năng của bảo tàng; quy định “chế độ đặc biệt” đối với việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia; quy định rõ quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quy định mua, bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định về điều kiện đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, nghiên cứu, bảo quản...
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tại Hội nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), bảo đảm các chính sách đưa Luật phải đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.