Không thay đổi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Trình bày Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cấp, trình báo mất và khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công; hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm vừa thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không thay đổi so với quy định của 2 Luật hiện hành.
Trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm
Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Có ý kiến đề nghị bổ sung bản chụp các văn bản tham gia của cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để có thêm cơ sở cho việc đánh giá sự cần thiết dự kiến sửa đổi, bổ sung các chính sách mới trong dự thảo Luật.
Về sự cần thiết ban hành Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí như Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, sau một thời gian thực hiện, một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam như: bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam; quy định về cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phó Tuỳ viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao và thiếu quy định hủy hộ chiếu đã cấp cho công dân mà không đến nhận…; sửa đổi một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh để phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030.
Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cần sửa đổi, ban hành chính sách về xuất nhập cảnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trong đó có các quy định về giá trị, thời hạn của thị thực điện tử; điều kiện cấp thị thực điện tử; thời hạn cấp chứng nhận tạm trú đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực... nhằm đẩy mạnh việc thu hút khách du lịch quốc tế, đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ hơn các chủ trương, đường lối của Đảng cần thể chế hóa trong Luật này; rà soát các quy định có liên quan đến chủ trương cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hai luật trên để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dùng một luật để sửa hai luật với những nội dung như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đây cũng là sự cố gắng trong đổi mới công tác quản lý Nhà nước của Chính phủ nói chung cũng như của Bộ Công an.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật theo trình tự rút gọn tại một kỳ họp, cụ thể là vào Kỳ họp thứ Năm tới. Qua đó đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo làm rõ những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần mở cửa hội nhập và phát triển của đất nước. Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với ban soạn thảo để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ Năm.