Tham dự buổi làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương; đại diện Hội đồng Dân tộc, Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang tháng 1.2023, huyện Sơn Dương đã triển khai xây dựng Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025. Hiện huyện đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 43,3% tổng số xã; 17 xã đạt từ 11 - 15 tiêu chí nông thôn mới. Có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến hết năm 2023 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện đặt mục tiêu duy trì nâng cao tiêu chí các xã đạt chuẩn, đồng thời phấn đấu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025, huyện Sơn Dương đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực để huyện tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp để thực hiện mục tiêu chung; vấn đề huy động, phân bổ nguồn lực cho các dự án, tiểu dự án, đặc biệt là khơi dậy tinh thần đồng thuận của người dân trong xây dựng nông thôn mới... Các đại biểu cũng cho rằng, để xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Dương cần linh hoạt kết hợp các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân và làm tốt công tác chuyển đổi số trong khu vực nông dân, nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị huyện Sơn Dương phân tích rõ các đầu điểm công trình cần thực hiện, phân tách nguồn vốn trong từng công trình. Việc đầu tiên là thực hiện xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới, huy động nội lực, tạo đồng thuận trong nhân dân và khơi dậy nỗ lực cao nhất của người dân, để xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào và nhu cầu tự thân của mỗi người dân trong toàn huyện.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, mục tiêu chung của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân. Huyện Sơn Dương cần nghiên cứu tìm ra cách làm hiệu quả trong huy động nguồn lực, lựa chọn các công trình ưu tiên phù hợp theo lộ trình xây dựng nông thôn mới để đề xuất với Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Sơn Dương hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025, “bảo đảm căn cứ địa cách mạng Sơn Dương trở thành miền quê đáng sống, người dân nông thôn thực sự hạnh phúc”.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đề nghị huyện Sơn Dương tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án, bổ sung các hợp phần về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế vùng, trọng tâm tập trung vào các giải pháp như chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, phát triển các vùng chuyên canh, hỗ trợ vốn...