Dư địa lớn
Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thẻ ngân hàng được các tổ chức tín dụng quan tâm phát triển; trong đó thẻ tín dụng là phương thức thanh toán đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 3.2024 có hơn 150,6 triệu thẻ tín dụng đang lưu hành, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023; gồm hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Trong đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.
Đến hết tháng 3.2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3.2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%. Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng, tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch - đây là điểm sáng đáng ghi nhận. Dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất lớn bởi các yếu tố: quy mô dân số 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành. Ngoài ra, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, thẻ tín dụng nội địa có các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày...), không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia. Thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp. Không chỉ vậy, thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.
Lợi ích của thẻ là điểm mấu chốt
Dù vậy, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng thẻ tín dụng. Lý giải nguyên nhân, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính, Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam, cho rằng, thói quen của người Việt vẫn thiên về chi tiêu bằng tiền mặt, đặc biệt ở vùng ngoại ô. Mối lo tăng gánh nặng tài chính khi có nợ, hoặc chi tiêu mất kiểm soát cũng lý do khiến giới trẻ e dè sử dụng sản phẩm này.
Để thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng, cần tăng cường tiện ích cho người sử dụng thẻ; tăng cường hiểu biết về thẻ tín dụng (minh bạch); ứng dụng Fintech để giảm phí thẻ tín dụng. Ông Đức dẫn kết quả phân tích chuyên sâu người dùng, là những người trực tiếp đang sử dụng hoặc đã có kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng, cho thấy lợi ích của thẻ tín dụng là một trong những điểm cân nhắc khiến khách hàng quyết định lựa chọn mở và sử dụng dòng thẻ này.
Cụ thể, miễn phí thường niên là một trong những điều khiến cho người dùng cảm thấy hài lòng. Người dùng cũng mong muốn quản lý việc chi tiêu, cài đặt các hạn mức chi tiêu để không dùng tiền quá mức, và tính năng liên kết với các quỹ đầu tư, để có thể kiểm soát được nhu cầu đầu tư nhanh chóng, tiện lợi. Về chính sách ưu đãi, người dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách hoàn tiền dựa trên các giao dịch chi tiêu, các ưu đãi được thiết kế riêng cho từng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, đặc quyền về du lịch như phòng chờ sân bay, khách sạn.
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, nhìn nhận thị phần tại các tỉnh thành nhỏ, khu công nghiệp, với đa số người dân kinh doanh tự do, lao động phổ thông, công nhân và giới văn phòng thu nhập tầm trung vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị dính tín dụng đen, tỷ lệ tiếp cận sản phẩm tài chính thấp, cũng như là đối tượng chính cho chương trình tài chính toàn diện. “Nên có những chương trình phổ cập về kiến thức tài chính cơ bản, thay vì chỉ tập trung nói về chức năng của thẻ”, ông Huấn đề xuất. Cùng với đó, ông nhấn mạnh yếu tố chuyên nghiệp và minh bạch khi tư vấn về cách tính lãi, các điểm nên tránh khi dùng thẻ.