Nền tảng quan trọng thu hút đầu tư vào ngành mũi nhọn
Ngày cuối cùng của năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư (Nghị định 182). Theo đó, đối tượng được hưởng hỗ trợ bao gồm: doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D.
Để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như: doanh nghiệp có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định này nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và hằng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch…
Các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng hoặc cam kết đáp ứng điều kiện giải ngân vốn đầu tư. Chẳng hạn, đối với dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp lần đầu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư…
Quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ hạng mục các chi phí gồm: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; R&D; đầu tư tạo tài sản cố định; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; đầu tư công trình hạ tầng xã hội; các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Đáng chú ý, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án…
Nhìn nhận về các chính sách này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đây thực sự là một bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, nhất là bán dẫn và AI. Ông Toàn phân tích, trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… nhờ đó đã đạt thành tựu lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, các ưu đãi miễn, giảm thuế của nhà đầu tư lớn sẽ không còn hiệu quả, làm giảm tính hấp dẫn môi trường đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 182 với những cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, chi trực tiếp bằng tiền, chắc chắn sẽ giúp Việt Nam thu hút, giữ chân được các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có bán dẫn, AI. “Thực tế, nhiều nước cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ bằng tiền cho các doanh nghiệp mà họ muốn thu hút đầu tư nên Việt Nam không thể không làm”, ông Toàn nhấn mạnh.
Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tin tưởng, cơ chế hỗ trợ theo Nghị định 182 rất thiết thực và tích cực. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn mà chúng ta đang ưu tiên phát triển như bán dẫn và AI.
Cần định dạng rõ thế nào là công nghệ cao
Nghị định 182 có hiệu lực thi hành kể từ 31.12.2024 và áp dụng từ năm tài chính 2024, được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, gia tăng năng suất lao động. Theo các chuyên gia, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, cần sự quyết liệt, nỗ lực của các bên liên quan.
Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn cho rằng, vấn đề then chốt hiện nay là phải định dạng được thế nào là công nghệ cao, tiêu chí xác định cụ thể, từ đó làm cơ sở cho việc thụ hưởng chính sách. Do vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nhanh chóng làm rõ vấn đề này, cùng với việc ra quyết định về Trung tâm R&D theo quy định tại Nghị định 182.
Song song đó, thủ tục giải ngân cũng cần đổi mới theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Bởi thực tế, chúng ta đã có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng giải ngân rất khó khăn, một phần do yêu cầu phải bảo toàn nguồn vốn của quỹ. Điểm tích cực là Nghị định 182 nêu rõ Quỹ hỗ trợ đầu tư “hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ”, song ông Toàn cho rằng vẫn cần cụ thể hóa để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đội ngũ thực thi của quỹ, để nếu trong trường hợp vì lý do khách quan mà việc sử dụng quỹ có rủi ro thì cũng sẽ được chấp nhận và ngược lại, nếu thực thi có tiêu cực, cố ý dẫn đến thất thoát nguồn vốn của quỹ thì cần rõ chế tài xử lý.
Một trong những nội dung được quan tâm là điều kiện để được hưởng hỗ trợ từ quỹ khá cao (vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng) sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có cơ hội tiếp cận. Ông Nguyễn Văn Toàn đề xuất, cần xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam được hưởng hỗ trợ từ quỹ, đặc biệt là trong việc xây dựng các trung tâm R&D để cải tiến công nghệ, tạo sản phẩm riêng cho Việt Nam.
Mặt khác, Phó Chủ tịch VAFIE cho rằng, chúng ta đã thực hiện thu thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024 thì cũng nên dành một phần để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ở phân khúc công nghệ cao. Bởi khi các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ được hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, hoặc được vay với lãi suất ưu đãi, thì sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn, giao hàng nhanh hơn và có lợi cho cả phía doanh nghiệp FDI. Như vậy, các doanh nghiệp FDI cũng thấy việc thu thuế tối thiểu toàn cầu cũng nhằm quay trở lại hỗ trợ cho chính họ, qua đó củng cố thêm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.