Hiệu quả một số chương trình đầu tư còn hạn chế
Thảo luận ở tổ về kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các đại biểu cơ bản thống nhất cao với báo cáo kinh tế - xã hội do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội... Các ĐBQH ghi nhận: trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế vĩ mô của đất nước giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo cơ sở cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các chính sách với người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giảm nghèo đạt kết quả tích cực; chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục nâng cao; tập trung phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chỉ đạo quyết liệt…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu cũng cho rằng: tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô… Đơn cử, tốc độ tăng trưởng chưa đủ để tạo bước đột phá cho phát triển bền vững; các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng; tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội còn chậm;…
Theo ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), công tác an toàn thông tin, an ninh mạng, định hướng dư luận xã hội còn chậm; thị trường vàng biến động phức tạp… Người dân và doanh nghiệp đang chờ chính sách cụ thể, đặc biệt liên quan đến các dự án Luật (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở) nên chưa mạnh dạn đầu tư...
Bên cạnh đó, hiệu quả một số chương trình đầu tư còn hạn chế, như: triển khai nền tảng số quốc gia còn chậm; dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện; cơ sở dữ liệu quốc gia chưa kết nối, chia sẻ khai thác hiệu quả... Do đó, cần có chính sách để tiếp tục đầu tư và ngày càng nâng cao, phát huy các giá trị đầu tư của chương trình, đại biểu nhấn mạnh.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng: một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung...
Tham gia thảo luận tại tổ, ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau cũng đề nghị trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội… Trong đó, tập trung kiểm soát lạm phát, tỷ giá; bảo đảm cung ứng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu, chấn chỉnh thị trường vàng; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và kịp thời đề ra các giải pháp để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư…
Đồng thời, tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…
Chú trọng phân cấp, phân quyền tạo tính chủ động và chịu trách nhiệm của cơ sở
Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ 16 đánh giá: Chính phủ đã có sự điều hành linh hoạt, chủ động và quyết liệt, đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng giai đoạn cụ thể, qua đó giúp nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà phục hồi và phát triển, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn…
Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn về sản phẩm OCOP hiện nay theo báo cáo có hơn 11.000 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: sản phẩm nhiều nhưng chất lượng chưa cao; để chọn ra được những sản phẩm thương hiệu thì còn nhiều khó khăn... Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm OCOP, song các sản phẩm chưa thực sự bảo đảm thương hiệu…
Cũng theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, việc ứng xử với thông tin xấu độc, đối phó với thông tin chưa chính thống hiện nay chưa kịp thời. “Định hướng vấn đề này như thế nào đang là bài toán khó hiện nay.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị cần tiếp tục cải cách hành chính, chú trọng hơn nữa tới phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động và chịu trách nhiệm của cơ sở…
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Chính phủ cần kịp thời cho ý kiến về các thủ tục, lộ trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2023 - 2025. Bởi, theo quy định trước tháng 10.2024, việc sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành để chuẩn bị đại hội cơ sở, nhưng đến thời điểm này còn nhiều vướng mắc, như về: quy hoạch kinh tế - xã hội; sắp xếp, giải quyết cán bộ dôi dư, trụ sở dôi dư…
Liên quan đến vấn đề nhân lực, ĐBQH Hoàng Trung Dũng đề nghị, Chính phủ cần kịp thời sửa đổi quy định về tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao (Nghị định số 140 của Chính phủ). “Đơn cử như tại Hà Tĩnh, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 44 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ. Nhưng theo quy định đặt ra, ngoài kết quả học tập xuất sắc thì rèn luyện cũng phải đạt xuất sắc, song về vấn đề rèn luyện thì các trường đại học chỉ ghi đánh giá "Tốt". Do đó, khi so sánh với văn bản quy định thì các con em sẽ bị thiệt thòi…”, ông Hoàng Trung Dũng dẫn chứng.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín chỉ các-bon và lợi ích của thị trường các tín chỉ các-bon để các địa phương và người dân ý thức cao việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bền vững. Đối với vấn đề cải cách tiền lương, cùng với tăng lương, cần phải đặc biệt chú ý quản lý giá, đại biểu Hoàng Trung Dũng đề nghị.