Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng trên 20.000 lượt công dân (cả nam và nữ) xuất cảnh qua biên giới đi lao động, làm thuê. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến tháng 6.2018 Hà Giang có 21.483 lượt phụ nữ di cư qua biên giới. Trong số những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc có 823 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Hầu hết các cuộc hôn nhân xuyên biên giới đều bất hợp pháp, không thực hiện các thủ tục pháp lý về đăng ký kết hôn. Đối với những trường hợp không tiếp tục duy trì hôn nhân, đa số phụ nữ quay trở về địa phương, không có giấy tờ tùy thân nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện, Hà Giang có trên 50 phụ nữ đã quay trở về và có 38 trẻ em là con lai được mang theo về Việt Nam nên rất khó khăn trong việc cấp giấy khai sinh vì thiếu các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến việc sinh sống, học tập và các chế độ an sinh xã hội của các cháu.
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là với người dân, phụ nữ khu vực biên giới trong thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để mỗi phụ nữ hiểu được những phức tạp, khó khăn khi kết hôn với người nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; tăng cường các biện pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững, có chính sách phát triển phù hợp với đặc điểm cư dân biên giới; giải quyết việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; quan tâm, hỗ trợ các chị em khi quay trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; tín chấp các nguồn vốn ưu đãi để phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực biên giới vay phát triển sản xuất, ổn định đời sống.