Có rất nhiều con số ấn tượng về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã đạt được thời gian qua. Tỷ lệ kiến nghị được giải quyết, trả lời gần như đã chạm con số tuyệt đối, bởi thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị, đạt 99,9%. Những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn đại biểu Quốc hội, gồm: nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội… Kết quả cũng cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu kiến nghị của cử tri khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri rõ ràng, cụ thể. Với những kiến nghị được trả lời, giải quyết vừa qua của các cơ quan liên quan đã được cử tri, Nhân dân rất đồng tình ủng hộ.
Có thể nói, qua mỗi nhiệm kỳ, qua mỗi kỳ họp, Quốc hội luôn có sự đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nguyện vọng của cử tri, trong đó có sự đổi mới từ công tác dân nguyện, từ hoạt động giám sát của Quốc hội.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, bên cạnh công tác lập pháp, công tác giám sát của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đổi mới. Từ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, đến kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Thông qua Phiên thảo luận, bên cạnh ghi nhận, đánh giá việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những nội dung cử tri kiến nghị nhưng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương chậm hoặc chưa được trả lời, giải quyết. Một số bộ, ngành chất lượng trả lời hạn chế, trả lời không rõ trách nhiệm của ngành mình, cơ quan mình. Những ý kiến thảo luận, đóng góp ý kiến thẳng thắn, trực diện của các đại biểu khi chỉ ra một số tồn tại trong việc giải quyết, kiến nghị của cử tri của một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm. Qua đó, giúp các cơ quan thấy rõ được những hạn chế để có giải pháp khắc phục, góp phần thúc đẩy trách nhiệm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chức năng đối với những kiến nghị của cử tri.
Sự đổi mới này trong hoạt động của Quốc hội càng khẳng định Quốc hội rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Tiếng nói của cử tri từ buôn, làng, hải đảo đến các thành phố lớn đều được các đại biểu mang tới diễn đàn Quốc hội để cùng thảo luận và từng trưởng ngành có những câu trả lời cho người dân. Với những đổi mới hoạt động không ngừng, cùng những kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua, càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Mong rằng, sự đổi mới ở phiên thảo luận đầu tiên về nội dung này của Quốc hội sẽ tiếp tục được duy trì ở những kỳ họp tiếp theo. Mạch nguồn đổi mới hoạt động của Quốc hội vì cử tri, vì Nhân dân sẽ tiếp tục được lan tỏa tới cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.