Người phụ nữ 38 tuổi thủng tử cung, đại tràng sau 3 năm đặt vòng tránh thai

Các bác sĩ Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp vòng tránh thai đâm xuyên thành tử cung vào thành đại tràng sigma, sau 3 năm đặt dụng cụ tránh thai (dụng cụ tử cung, vòng tránh thai).

Bệnh nhân nữ tên H.H.L. (38 tuổi) vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám vì đau bụng vùng chậu dưới rốn âm ỉ, kèm đi ngoài ra máu. Chị L. có tiền sử đặt dụng cụ tránh thai cách đây 3 năm và không đi kiểm tra lại.

Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, soi đại tràng và chụp cắt lớp vi tính, kết quả cho thấy hình ảnh dụng cụ tử cung nằm 1 đầu ở trong lòng đại tràng sigma (phần nằm ở vị trí thấp nhất trong đại tràng, nối liền trực tràng, chứa chất thải cơ thể), 1 đầu nằm chặt trong thành của đại tràng sigma phía bờ mạc treo.

Người phụ nữ 38 tuổi thủng tử cung, đại tràng sau 3 năm đặt vòng tránh thai -0
Hình ảnh dụng cụ tử cung trong thành đại tràng sigma qua phim cắt lớp vi tính

Với vị trí này, bác sĩ không thể lấy dụng cụ tử cung qua đường nội soi ống mềm, do có thể gây thủng đại tràng vào ổ bụng, làm tình trạng nặng thêm. Vì vậy, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để lấy dụng cụ tử cung lạc chỗ và xử lý chỗ thủng đại tràng. Phẫu thuật nội soi hoàn toàn là phương pháp được lựa chọn vì ít xâm lấn nhất cho người bệnh.

Trong quá trình tiến hành ca mổ nội soi, đoạn đại tràng sigma bị dụng cụ tử cung xuyên thủng được cắt bỏ, 2 đầu đại tràng được nối lại cũng qua nội soi nên vết mổ chỉ khoảng 3cm, đủ để lấy bệnh phẩm ra ngoài.

Ngày đầu tiên sau mổ, bệnh nhân được ăn cháo và tập đứng dậy, vận động đi lại. Bệnh nhân được xuất viện sau 6 ngày.

Theo các bác sĩ Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng thủng tử cung tương đối hiếm gặp, nhưng là một biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm, có thể xảy ra ngay do đặt dụng cụ tránh thai không đúng cách hoặc sau nhiều năm do dụng cụ di chuyển.

Đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả, có thể tránh thai lên đến 98% - 99%. Tỷ lệ sử dụng vòng tránh thai chiếm 16,5% ở các nước chưa phát triển và 9,4% ở các nước phát triển Phương pháp này được nhiều phụ nữ lựa chọn bởi khả năng sử dụng lâu dài, ít có khả năng gây hại cho cơ thể, quá trình đặt vòng đơn giản và chi phí tương đối thấp. Người mang dụng cụ tử cung vẫn có thể có khả năng sinh sản sau khi tháo bỏ dụng cụ này.

Tuy nhiên, dụng cụ tử cung có thể di chuyển xuyên thủng tử cung với tỷ lệ từ 1,3 - 1,6 trên 1.000 lần đặt. Sau khi xuyên qua tử cung, dụng cụ có thể rơi vào ổ bụng tự do hoặc nằm trong khung chậu, hoặc có thể xuyên thủng tiếp vào các cấu trúc lân cận như bàng quang, đại tràng, ruột non và hình thành các đường rò tử cung - bàng quang hoặc tử cung - ruột.

Người phụ nữ 38 tuổi thủng tử cung, đại tràng sau 3 năm đặt vòng tránh thai -0
Dụng cụ tử cung và đoạn đại tràng của nữ bệnh nhân 38 tuổi được lấy ra sau mổ

Các triệu chứng của vòng tránh thai lạc chỗ rất đa dạng, tùy thuộc vào thời gian và cơ quan dụng cụ di chuyển. Triệu chứng lâm sàng có thể gặp là đau bụng vùng hạ vị, sốt; tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hoá; một số trường hợp có thể gặp tắc ruột, hoại tử ruột.

Trường hợp có tổn thương niệu quản, bàng quang, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu máu, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần… Siêu âm, chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đơn giản để xác định vị trí của dụng cụ tử cung.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, khi đã xác định vòng tránh thai bị lạc chỗ, cần lấy bỏ càng sớm càng tốt, bất kể đó là vòng tránh thai loại gì và lạc chỗ ở nào. Bệnh nhân tốt nhất nên lấy vòng tránh thai khi đã di chuyển bằng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.

Tuỳ thuộc vào vị trí và tính chất xuyên thủng các tạng của dụng cụ tránh thai mà sử dụng các biện pháp can thiệp khác nhau, có thể sử dụng các kỹ thuật nội soi như nội soi đại tràng, nội soi tử cung và nội soi bàng quang hoặc can thiệp phẫu thuật.

Để tránh biến chứng dụng cụ tránh thai lạc chỗ và xử lý kịp thời khi lạc chỗ, phụ nữ cần lưu ý:

- Tránh đặt vòng tránh thai trong thời kỳ hậu sản, thời kỳ cho con bú.

- Sử dụng vòng tránh thai nhựa plastic hơn là dụng cụ bằng kim loại.

- Làm thủ thuật bằng dụng cụ phù hợp và tránh thô bạo.

- Đặt vòng tránh thai cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm.

- Khám và theo dõi định kỳ.

Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo để hạn chế các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, phụ nữ nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện các thủ thuật đặt dụng cụ tránh thai và kiểm tra định kỳ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt, đi ngoài, đi tiểu ra máu, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Sức khỏe

Chương trình Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3 diễn ra tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Sức khỏe

Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần vì cộng đồng

Sáng 21.9, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3. Thứ trưởng Bộ Y tế, Thầy thuốc ưu tú, GS.TS Trần Văn Thuấn tham dự chương trình và kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Đà Nẵng: Khám, tầm soát bệnh lý tim mạch, chuyển hóa và bệnh thận mạn miễn phí cho hơn 1.000 người dân
Sức khỏe

Đà Nẵng: Khám, tầm soát bệnh lý tim mạch, chuyển hóa và bệnh thận mạn miễn phí cho hơn 1.000 người dân

Sáng 21.9, tại Bệnh viện Đà Nẵng, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành triển khai Chương trình “Careme - Yêu lấy mình, tầm soát bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa” với sự tham gia của hơn 1.000 người dân trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Tràn lan mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế yêu cầu thanh tra và xử lý nghiêm
Sức khỏe

Tràn lan mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế yêu cầu thanh tra và xử lý nghiêm

trên mạng internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube ...) đang có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn số 3141/QLD-MP về việc yêu cầu thanh tra và xử lý nghiêm. 

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ: Giới thiệu nhiều kỹ thuật mới tại Hội nghị khoa học kỹ thuật mở rộng năm 2024
Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ: Giới thiệu nhiều kỹ thuật mới tại Hội nghị khoa học kỹ thuật mở rộng năm 2024

Ngày 20.9, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật mở rộng năm 2024 và kỷ niệm 10 năm Khánh thành trụ sở mới. Hội nghị học kỹ thuật mở rộng năm 2024 tại bệnh viện có 23 báo cáo xoay quanh các lĩnh vực về nghiên cứu, vận dụng, triển khai các kỹ thuật mới tiên tiến liên quan đến chuyên ngành ngoại khoa, nội khoa từ các tiến sĩ, bác sĩ giàu kinh nghiệm đến từ TP. Hồ Chí Minh và các trường Đại học, các bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá
Tin tức

Trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá

Mới đây, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024. Hội nghị nhằm trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở ở Hà Tĩnh trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.