Chương trình được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức và phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch và thận mạn, đồng thời hỗ trợ cộng đồng thông qua các hoạt động ý nghĩa khác.
Chương trình Carema - Yêu lấy mình là sáng kiến chuyển đổi số do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA) và AstraZeneca đồng xây dựng, nhằm giới thiệu và nhân rộng các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn, vốn là những bệnh mạn tính phổ biến hàng đầu hiện nay với tỉ lệ mắc và thương tật càng gia tăng, và cũng đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Chương trình cũng mong muốn có thể giúp nâng cao khả năng tiếp cận của người bệnh với dịch vụ y tế chất lượng, và nâng cao nhận thức về tầm soát, sàng lọc bệnh sớm và tuân thủ điều trị.
Đây là Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động “Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát động từ tháng 5.2024, đã và đang được triển khai khắp cả nước. Chương trình mong muốn tiếp cận hỗ trợ cho hơn 1.000.000 người dân trên cả nước. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới 29.9.2024 của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Phát biểu tại Chươnng trình, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam TS. BS Hà Anh Đức chia sẻ, chuyển đổi số y tế là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng. Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình đổi mới sáng tạo như chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi và Careme - yêu lấy mình, lấy nền tảng là công nghệ ứng dụng trong sàng lọc bệnh, tầm soát bệnh và hỗ trợ điều trị. Sau cơn bão số 3 với nhiều hậu quả nặng nề, các chương trình khám cộng đồng thời gian tới sẽ đi sâu vào phục hồi sau thiên tai, chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao năng lực y tế cơ sở với ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số”.
Trong khuôn khổ Chương trình, khoảng hơn 1.000 người dân đã được khám và xét nghiệm tầm soát miễn phí. Đội ngũ y bác sĩ đã tận tâm kiểm tra sức khỏe, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bệnh tim mạch và thận mạn. Qua đó, người dân đã nhận được những lời khuyên thiết thực về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng.
Việc tổ chức các chương trình tầm soát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm mà còn tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Đây là một hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP. Đà Nẵng đồng thời lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng trao tặng 10 phần quà cho các bệnh nhân, bệnh nhi nghèo, giúp các gia đình, các em có thêm niềm vui trong cuộc sống và động lực trong học tập. Ban Tổ chức cũng đã thăm hỏi và trao quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh cao cả của các mẹ trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.
Cùng với đó, Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho Bệnh viện Đà Nẵng gồm: 1 màn hình telehealth di động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ngành y tế đối với sức khỏe cộng đồng. Những thiết bị này không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ y bác sĩ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại.