Cần tính toán kỹ hơn về thời gian họp
Phát biểu thảo luận tổ, về Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng, dự thảo đã được tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu, thể chế hoá nhiều nội dung, cải tiến đổi mới. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cần tính toán kỹ hơn thời gian họp. Kinh nghiệm từ một số nước là không phải ngày nào cũng họp mà có thể giãn cách.
Góp ý về cách thức thông báo vắng mặt của đại biểu, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quy trình để đại biểu thực hiện quy củ, nhưng cũng cần có quy định linh hoạt trong trường hợp đại biểu vắng mặt với lý do đột xuất.
Còn ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt đánh giá, nội quy kỳ họp đã được Quốc hội ban hành 7 năm, đến nay đã bộc lộ những bất cập. Do đó cần thiết phải điều chỉnh. Đại biểu đề nghị biên tập rõ nội hàm tranh luận của đại biểu trên nghị trường Quốc hội.
Không tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân hàng
ĐBQH Nguyễn Hữu Chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật phòng chống rửa tiền cho phù hợp thực tế hiện nay. Đại biểu cũng đóng góp nhiều nội dung cụ thể liên quan đến các điều của dự thảo Luật này.
ĐBQH Tạ Đình Thi kiến nghị cần xem xét tính hợp lý trong quy định bảo đảm phòng chống rửa tiền, không tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân hàng, giảm tiến độ giao dịch kinh doanh đặc biệt trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi tài liệu mật, cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài liệu mật, làm rõ số liệu mật, số liệu nào không thuộc danh mục tài liệu mật. Nếu đóng dấu mật lên toàn bộ văn bản sẽ gây khó cho đại biểu dẫn chiếu, phát biểu, nếu không cẩn thận có thể vi phạm quy định của pháp luật.
ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu vấn đề "Liệu có tình trạng lạm dụng đóng dấu mật trong các tài liệu gửi đại biểu Quốc hội hay không". Đưa ra ví dụ báo cáo về thu chi ngân sách, chỉ có số liệu về quốc phòng và dự trữ quốc gia là thuộc danh mục tài liệu mật, còn tất cả số liệu khác phải công bố công khai theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, đại biểu băn khoăn liệu có vi phạm quy định của pháp luật nếu đóng dấu mật lên toàn bộ tài liệu, nên chăng chỉ đóng dấu mật đối với những trang có số liệu, tài liệu mật.
Nên trao lại quyền quyết định nội dung kỳ họp bất thường cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổng hợp nội dung thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, 6 ý kiến thảo luận rất trúng trọng tâm, trọng điểm của phiên thảo luận. Về nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi nội quy, trong đó nhiều nội dung được cập nhật mới. Đại biểu đề nghị nên trao lại quyền quyết định nội dung kỳ họp bất thường cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không nên quy định cứng là kỳ họp bất thường không xem xét các nội dung của kỳ họp thường lệ.
Đại biểu cũng quan tâm đến tài liệu mật, tài liệu thu hồi trong phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, đề nghị làm rõ từng số liệu nào mật, số liệu nào không mật, không nên để toàn bộ tài liệu là mật. Đại biểu cũng quan tâm đến hình thức tổ chức kỳ họp trực tiếp kết hợp trực tuyến; sự điều hành của chủ toạ và thời gian đại biểu phát biểu; việc xin nghỉ của đại biểu cần linh hoạt hơn…
Về Luật phòng chống rửa tiền, đại biểu khẳng định sự cần thiết nhưng đề nghị Luật phải đáp ứng 2 yêu cầu tối thiểu là đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai, phòng chống rửa tiền không chỉ trong nước mà phải hợp tác quốc tế, do đó đại biểu đề nghị quan điểm là giữ nguyên một chương về hợp tác quốc tế trong Luật.
Về Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị không áp dụng hồi tố và đề nghị Chính phủ cam kết thời điểm trình sửa Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, đảm bảo sự đồng bộ giữa luật và quy định của Đảng về công tác này.