GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, chẳng hạn như Bát Tràng, từ chỗ sử dụng than, giờ chuyển sang sản xuất gốm bằng khí gas. Việc thay đổi này tương đối khó, bởi người dân trong làng nghề đều là cơ sở nhỏ lẻ, nên tự họ thay đổi không phải là điều dễ dàng. Ở đây cần phải có chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước.
Cũng theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, khung khổ pháp lý để thực hiện vấn đề trên đã khá đầy đủ. Ví dụ như chương trình hỗ trợ về chuyển giao khoa học công nghệ hiện nay được phép sử dụng các quỹ để giảm chi phí. Hay chúng ta có hệ thống luật pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực khác nhau. Vấn đề nằm ở khâu triển khai mà thôi!
Bên cạnh đó cần tách riêng làng nghề thành không gian phát triển độc lập để đầu tư về hạ tầng đồng bộ, bài bản, xử lý hoạt động gây ô nhiễm. Đó chính là là phát triển các cụm công nghiệp, cụm làng nghề, tức là tạo ra một không gian phát triển mới cho làng nghề, tách biệt khỏi khu vực cộng đồng dân cư truyền thống.
Và khi địa phương quy hoạch được cụm công nghiệp, cụm làng nghề, thì đương nhiên chính quyền sẽ có điều kiện để đầu tư hạ tầng đồng bộ và vấn đề mà ô nhiễm hoàn toàn có thể xử lý.
Ngoài ra, việc tách riêng cụm công nghiệp, làng nghề còn tạo ra không gian chung trong việc giới thiệu sản phẩm như: trưng bày, trình diễn quá trình sản xuất... Và như vậy còn tạo nên một không gian văn hóa cho sản phẩm làng nghề, phục vụ trực tiếp việc tiêu thụ và hoạt động du lịch cũng như quảng bá.