Nên có Trưởng công an, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự trong cơ cấu UBND quận, phường
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng, các đại biểu tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển cơ bản tán thành với việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng tương tự với mô hình đang được thực hiện tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và cho rằng mô hình này phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của thành phố Hải Phòng.
Về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết quy định trong cơ cấu tổ chức của UBND quận có chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận (khoản 1 Điều 4); cơ cấu tổ chức của UBND phường có Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường (khoản 1 Điều 7) là vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Nêu quan điểm về nội dung này, ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho rằng, Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng quy định trong cơ cấu tổ chức của UBND quận có chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận; trong cơ cấu tổ chức của UBND phường có Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường.
Từ kinh nghiệm của Đà Nẵng và nhằm tạo thuận lợi cho chính quyền đô thị của Hải Phòng trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, đại biểu Đỗ Đức Hiển tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc có chức danh Trưởng Công an quận, phường và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận, phường trong cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường.
Mặt khác, qua rà soát các quy định liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng chưa thấy có vướng mắc nào về pháp luật trong việc quy định vấn đề này.
Cũng đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng nhằm tạo điều kiện cho chính quyền thành phố thực hiện nhiệm vụ quản trị xã hội tốt hơn, do vậy, trong cơ cấu của UBND quận, phường nên có ủy viên thuộc lực lượng vũ trang. Đại biểu cũng lưu ý, các khoản chi cho các hoạt động về quốc phòng - an ninh tại địa phương đều thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền địa phương, do vậy, trong cơ cấu UBND quận, phường nên có chức danh Trưởng Công an quận, phường và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận, phường nhằm dễ thống nhất quản lý.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đề xuất mô hình chính quyền đô thị. Riêng đối với Hà Nội, mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội được ghi nhận trong Luật Thủ đô. Xuất phát từ thực tế các thành phố trực thuộc trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội, các ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Nguyễn Thiện Nhân... đề nghị, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Tạo điều kiện cho thành phố Huế phát triển nhanh hơn, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô
Cơ bản tán thành với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, các đại biểu cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, xét về vai trò dẫn dắt, thành phố Huế từ lâu đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong các hoạt động tổ chức lễ hội văn hóa nhằm phát triển du lịch, phát huy các giá trị về văn hoá, di sản của địa phương. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo điều kiện hơn cho thành phố Huế phát triển nhanh hơn, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần sớm có luật về đô thị đặc biệt nếu còn có các phương án nâng thành phố khác lên thành thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tới.