Phí nạp tiền cao, đăng ký và hủy dịch vụ còn phức tạp
Ông Nguyễn Đình Lê, Giám đốc một công ty chuyên vận chuyển hàng hóa nông sản tuyến TP. Hồ Chí Minh- Lâm Đồng cho biết, vài năm gần đây số lượng phương tiện tuyến đường này tăng nhanh, hình thức thu phí thủ công đã bộc lộ nhiều hạn chế như thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, việc kiểm soát doanh thu của cơ quan quản lý khó, tăng chi phí xã hội, chưa thuận tiện cho người tham gia giao thông thì việc thu phí điện tử không dừng rất thuận tiện.
“Từ khi áp dụng hình thức này, tôi thấy thuận tiện cho chủ phương tiện, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, và tăng cường tính công khai minh bạch trong thu phí BOT, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ”, anh Lê nhận xét. Tuy nhiên, theo anh Lê, hệ thống ETC trên cao tốc hoạt động chưa được trơn tru, hay gặp lỗi không nhận thẻ hoặc có trường hợp bị trừ tiền 2 lần. “Nếu không được xử lý triệt để thì các xe nàv tiếp tục phải dừng lại khi lưu thông lần sau gây mất thời gian chờ đợi xử lý cho khách hàng và tăng nguy cơ va chạm giao thông tại làn thu phí ETC”, anh Lê cảnh báo.
Còn tài xế Đăng Hùng, lái xe đường dài tuyến TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng cho biết, tại một số đoạn cao tốc, nhân viên vận hành trạm thu phí không thể đăng nhập hoặc không thể tra cứu được số dư tài khoản trên phần mềm ePass dẫn đến việc khách hàng bức xúc khi mất thời gian kiểm tra số dư tài khoản… Đối với các xe dán thẻ ePass có tài khoản liên thông với ví điện tử Viettel Money, nhân viên vận hành không kiểm tra được số dư trên trang 360.vetc.com.vn do Công ty Thu phí tự động VETC cung cấp.
Tài xế Nguyễn Văn Tùng (quận 5, TP. Hồ CHí Minh) cho biết, anh đã tìm hiểu cách thức nạp tiền vào tài khoản giao thông của 2 nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC - Etag) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - ePass). Ở các phương thức thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ đều thu phí khá cao. Tài khoản VETC hay VDTC không cho phép liên kết trực tiếp với nhiều tài khoản của các ngân hàng. Một số tài xế khác cũng phản ánh VETC và VDTC đều yêu cầu người dùng nạp sẵn tiền vào tài khoản, thay vì thanh toán trực tiếp bằng tài khoản ngân hàng. Người dùng cần bảo đảm số dư trong tài khoản. Nếu tài khoản không còn tiền, hệ thống sẽ từ chối mở barie. VETC và VDTC đều cho phép nạp tiền trực tuyến và trực tiếp. Với kênh trực tuyến, khách có thể nộp bằng hình thức chuyển khoản hoặc liên kết tài khoản với thẻ ngân hàng. Với kênh trực tiếp thì đến cửa hàng, đại lý do đơn vị liên kết hoặc ngân hàng. Dù vậy, ở hầu hết cách thức nạp tiền trực tiếp hay trực tuyến kể trên, khách hàng đều phải tốn thêm khoản chi phí để nạp tiền là không thoả đáng.
Cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn
Chị Khánh Linh (quận Bình Thạnh, TP. Hồ CHí Minh) cho biết, khi đi đăng ký dán thẻ thu phí không dừng (ETC) thì phát hiện mình đã được kích hoạt thẻ ePass, chị nghĩ chắc do chủ cũ bán xe đã kích hoạt. Chị quyết định sử dụng thẻ ePass thì được nhân viên hướng dẫn về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc tỉnh Đồng Nai là trụ sở của công ty để dán. Quá bức xúc, chị đề nghị hủy thì cũng được nhân viên hẹn về các địa điểm trên để hủy. Nhiều lái xe khác cũng cho biết đến hạn chót đi đăng ký dán thẻ ETC thì được báo xe bị đăng ký ePass dù chưa từng ký bất kỳ hợp đồng nào với công ty này. Tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề hủy đăng ký, chủ xe được yêu cầu phải đến tận trụ sở tại Trảng Bom, Đồng Nai để hủy.
Theo luật sư Trần Minh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, cần phải xác định việc để xảy ra tình trạng rất nhiều chủ xe phản ánh khi đi dán thẻ ETC mới phát hiện xe đã đăng ký tài khoản ePass bởi một người lạ. Đây là lỗi của đơn vị chủ quản trong việc vận hành hệ thống và quản lý nhân viên. Trong trường hợp đơn vị chủ quản của ePass không có phương án xử lý kịp thời gây phiền hà, mất thời gian, tiền bạc của chủ phương tiện thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đơn vị chủ quản phải có phương án xử lý kịp thời và hợp tình, hợp lý, chứ không thể yêu cầu chủ xe phải đến văn phòng đại diện (ở các tỉnh khác). Đồng thời không thể yêu cầu xuất trình giấy tờ và thực hiện hàng loạt thủ tục khác mới được hủy.
Theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ là đối tượng được pháp luật bảo vệ về thông tin cá nhân. Việc tự ý sử dụng biển số xe của người khác để đăng ký tài khoản giả là hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Nhiều tài xế phía Nam cũng thắc mắc, lỗi từ phía hệ thống thu phí như không đọc được thẻ, tài khoản không về tiền, thẻ hỏng, xe dán “thẻ chồng thẻ”, không ký hợp đồng nhưng đã kích hoạt dịch vụ thì nhà cung cấp dịch vụ liệu có trách nhiệm thế nào? Về vấn đề này, đại diện của Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng các trạm thu phí gây ra lỗi để ùn tắc sẽ phải dừng thu phí, xả trạm. Thời gian xả trạm do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC thì sẽ phải có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT. Nếu lỗi do nhà đầu tư BOT thì doanh thu sẽ không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu hoàn thiện về pháp luật nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ hơn các mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí ETC đồng thời là cơ sở để xử lý trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị vận hành trạm thu phí, lái xe.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí ETC trên toàn quốc của Bộ Giao thông Vận tải mới đây, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc khắc phục các tồn tại, bất cập và lỗi thu phí ETC. Theo đó, các đơn vị duy trì trạng thái tập trung lực lượng ở cấp độ cao nhất, tinh thần là phục vụ nhân dân là trên hết, nhằm tạo ra thói quen và để người dân thấy được giá trị lợi ích của ETC. Trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg, để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.