Độc đáo kỹ thuật vẽ sáp ong
Cách thị trấn Nguyên Bình khoảng 20km, và cách thành phố Cao Bằng 60km, xóm Hoài Khao nằm trong một thung lũng nhỏ, với những ngôi nhà làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương; nơi đây có 35 hộ dân tộc Dao Tiền với truyền thống văn hóa đặc sắc được gìn giữ khá nguyên vẹn từ kiến trúc nhà ở, nghề chạm bạc tinh xảo, nghề dệt truyền thống...
Cho tới ngày nay, phụ nữ Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự may quần áo cho mình và người thân trong gia đình; ngay từ khi từ 10 - 12 tuổi, những cô gái đã được bà, mẹ chỉ dạy cách tự làm trang phục thổ cẩm của dân tộc mình, từ trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm đến cắt may, thêu thùa...
Đặc biệt, phụ nữ ở Hoài Khao thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải để làm ra những bộ trang phục mang sắc màu đặc trưng của đồng bào Dao Tiền; bà Bàn Thị Liên, xóm Hoài Khao cho biết: thổ cẩm trước khi may thành trang phục phải trải qua các công đoạn gồm mài bóng vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, đánh tan sáp ong và phơi khô.
Tấm vải phải được là bằng đá phẳng cho mịn cả hai mặt để khi vẽ sáp ong ngấm đều và đẹp, không bị loang. Sau khi vải đã được mài bóng sẽ đến công đoạn quan trọng nhất là tạo hình hoa văn nhờ các dụng cụ đặc biệt để chấm sáp ong đun chảy và in lên mặt vải. Sáp ong đã vẽ lên vải sẽ khó hoặc không chỉnh sửa được, vì thế để có một chiếc váy đẹp, vẽ hoa văn sáp ong đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao.
Theo bà Bàn Thị Liên, từ xưa đến nay, trên chiếc váy truyền thống của phụ nữ Dao Tiền có các hoa văn đồng tiền (chun thốp), đồi núi (chùn chủn), đường đi (chùn cheo)... thể hiện mong ước về sự thịnh vượng, cuộc sống no đủ, tốt đẹp. Phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao sử dụng các ống tre (hào moóng) có đường kính to nhỏ khác nhau từ 1,5 - 2cm để vẽ các hình tròn của hoa văn đồng tiền. Để vẽ các đoạn thẳng và góc, họ sử dụng các dụng cụ bằng tre vót mỏng, hơ trên lửa để uốn thành hình tam giác (goèe). Họ thường làm 5 - 10 dụng cụ có kích thước 1 - 5cm để tạo hoa văn khác nhau.
Tấm vải sau khi vẽ xong nổi bật với hoa văn sáp ong màu nâu vàng trên nền vải trắng sẽ được nhuộm chàm - công đoạn mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn; bà Bàn Thị Liên tiết lộ: vải được ngâm nước chàm khoảng 20 phút rồi vớt ra đem phơi nắng. Vải khô lại cho vào ngâm tiếp trong nước chàm. Cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có được màu chàm ưng ý. Một tấm thổ cẩm có màu đẹp, bền thường phải mất từ 20 - 30 ngày mới nhuộm xong. Sau đó đem tấm vải luộc qua nước sôi để bong hết sáp ong tạo hình. Phần chấm sáp ong không bị nhuộm chàm nên vẫn giữ được màu trắng nguyên bản.
Lúc này, phụ nữ Dao Tiền tiếp tục trang trí trang phục bằng các họa tiết thêu tay. Ngoài thêu các đường viền chỉ màu ở gấu áo, cổ tay áo, họ còn thêu hoa văn hình trám, hình con chó, hình nhện, cây thông, hoa… Mỗi họa tiết trên trang phục của người Dao Tiền đều ẩn chứa những câu chuyện về lịch sử cội nguồn, là ký ức văn hóa, thể hiện nhân sinh quan của đồng bào.
Sức hút từ văn hóa truyền thống
Từ xưa đến nay, kỹ thuật in hoa văn, thêu tay trang phục truyền thống vẫn được phụ nữ Dao Tiền thực hiện và truyền lại cho các thế hệ. Đến thời điểm hiện tại, ngoài phục vụ nhu cầu của đời sống, nghề truyền thống này lại tạo nên nét độc đáo, thêm sức hấp dẫn cho du khách đến với Hoài Khao.
Thực hiện chủ trương gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Nguyên Bình xây dựng và triển khai chương trình xây dựng Hoài Khao thành làng du lịch cộng đồng. Các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng cho người dân kiến thức cơ bản về du lịch, tập huấn kỹ năng tiếp đón, phục vụ du khách. Bên cạnh đó, huyện đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng khu đón tiếp khách, phục chế một số công trình văn hóa, bảo tồn một số phong tục tập quán và văn nghệ quần chúng; trưng bày các dụng cụ, trang phục, đồ dùng sinh hoạt của đồng bào.
Đặc biệt, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải cũng được giới thiệu như một nét văn hóa độc đáo; chị Lý Thị Hương - người dân tộc Dao Tiền, một trong bảy homestay của Hoài Khao cho biết, năm 2022, điểm du lịch cộng đồng chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, số lượng khách du lịch bắt đầu tăng; hoạt động đón tiếp khách du lịch bắt đầu có hiệu quả. Hiện nay, khách du lịch đến với Hoài Khao kết hợp khám phá bản sắc văn hóa, thiên nhiên hoang sơ và trải nghiệm các thao tác vẽ hoa văn sáp ong ngay tại không gian homestay của 7 gia đình trong xóm.
Chị Lý Thị Hương cho biết: "được lãnh đạo huyện quan tâm, tuyên truyền, giúp đỡ, ban đầu bà con chưa đồng tình, nhưng sau này có đường, có điện... mọi người phấn khởi và cùng làm du lịch cộng đồng".
Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Nguyên Bình cũng xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các xóm, thôn bản và xã có người biết dệt thêu thổ cẩm, động viên người dân mặc trang phục dân tộc mình và mang sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm, học hỏi cách tiếp cận thị trường...
Nhờ gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống, Hoài Khao đang trở thành điểm hẹn của nhiều du khách. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập của đồng bào.