Đây là cơ hội cho các nghệ nhân, làng nghề, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm quà tặng lưu niệm, doanh nghiệp du lịch… gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu.
Dự kiến sẽ có khoảng 80 không gian giới thiệu, triển lãm, quảng bá như: Không gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm tinh hoa, chất lượng của các làng nghề Hà Nội; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các sản phẩm quà tặng voucher tour du lịch với giá khuyến mại; Không gian trải nghiệm làng nghề là khu trình diễn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch… Khách tham quan có thể trải nghiệm làm các sản phẩm như chuồn chuồn tre, làm quà tặng, làm hoa nghệ thuật, làm đồ tái chế...
Một số tiểu cảnh sẽ được Ban tổ chức dựng theo chủ đề như: làng mây tre đan Phú Vinh, làng quạt Chàng Sơn, làng lụa Vạn Phúc, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng gốm Bát Tràng. Không gian tiểu cảnh chụp hình sẽ là khu check-in của Lễ hội, đồng thời là không gian trải nghiệm trò chơi dân gian như ô ăn quan, cà kheo, nhảy sạp, đi cầu kiều.
Không gian trưng bày triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nội sẽ trưng bày các tác phẩm ảnh nghệ thuật quảng bá về du lịch Hà Nội với nội dung "Nụ cười du khách" và giới thiệu những tác phẩm đã đạt giải trong Cuộc thi ảnh Du lịch Hà Nội năm 2022.
Không gian giới thiệu ẩm thực sẽ giới thiệu nhà hàng được gắn 1 sao Micheline, các nhà hàng trong danh sách tuyển chọn Micheline đã được công bố vào tháng 6.2023. Đây là cơ hội quảng bá rộng rãi ẩm thực Hà Nội đến người dân và du khách.
Các hoạt động văn hóa trong Lễ hội năm nay sẽ gồm: Cuộc thi Marathon ảnh "24h - Hà Nội đến đê yêu" ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong Lễ hội; Trình diễn điệu múa dân gian xưa; Diễu hành xích lô tặng bóng bay cho du khách; Biểu diễn trống hội; Trình diễn nhảy Flash mob cùng các hoạt động trên đường phố của giới trẻ.
Dự kiến, Lễ khai mạc sẽ diễn ra tối 3.11 tại Không gian đi bộ khu vực đường Trần Nhân Tông, Hà Nội.