Xem xét 3 dự án phục vụ công tác chuyển đổi số
-Được biết, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xem xét, cho ý kiến 2 dự thảo nghị quyết triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15. Vậy, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này ?
- Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội là sự cụ thể hóa cho việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là “đòn bẩy” quan trọng, tạo điều kiện để Khánh Hòa biến các tiềm năng, lợi thế trở thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện và bền vững; sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Thực tế thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định, bảo đảm việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55/2022/QH15, đó là: Nghị quyết về danh mục dự án đầu tư thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh cũng xem xét, cho ý kiến 2 nghị quyết thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách và quản lý đất đai gồm: Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; Nghị quyết về cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn năm 2023.
- Với mục tiêu là tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số, kỳ họp này HĐND tỉnh Khánh Hòa xem xét, thông qua chủ trương đầu tư một số dự án phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh. Ông có thể nói rõ hơn về việc này ?
- Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã thực chất hơn, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp. Năm 2020, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 64,06%; hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 56%; tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt 35,8%. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động quản lý, điều hành, trao đổi thông tin và giao dịch điện tử, góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 19.10.2021 về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; đưa tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Từ nay đến năm 2030, xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành đô thị thông minh, và là tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh: Dự án Xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1) với thời gian thực hiện dự kiến 3 năm. Trung tâm này nhằm mục đích phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; đồng thời, cung cấp thông tin dữ liệu cho các ngành, địa phương; Dự án Xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh Khánh Hòa.Khi hoàn thành dự án sẽ giúp kết nối các hệ thống thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; liên thông, chia sẻ, kết nối với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành Trung ương thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; Dự án Đầu tư bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòavớimục tiêu bảo đảm cung cấp đủ hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, phục vụ cho việc kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp
- Bên cạnh những vấn đề nêu trên, tại kỳ họp này HĐND tỉnh còn quyết nghị những vấn đề gì quan trọng nữa không, thưa ông?
- Theo chương trình, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VII xem xét, cho ý kiến đối với 11 nghị quyết quy phạm pháp luật, 34 nghị quyết thông thường. Trong đó, về lĩnh vực giáo dục, HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến Nghị quyết về hỗ trợ học phí đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông công lập và học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, theo hướng không thu học phí 5 tháng của năm học 2022 – 2023. Chính sách này là một trong các giải pháp ưu tiên hàng đầu nhằm kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn về tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân; góp phần hạn chế mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Về lĩnh vực tài chính, HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với 4 nghị quyết quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí gồm phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; phí tham quan Khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp bà Ponagar và danh lam thắng cảnh Hòn Chồng và 3 nghị quyết quy định nội dung và các mức chi gồm mức chi hỗ trợ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; mức chi cụ thể cho hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa…
- Để bảo đảm kỳ họp diễn ra thành công, các nghị quyết có chất lượng, các đại biểu HĐND cần phát huy vai trò của mình như thế nào, thưa ông?
- Để kỳ họp diễn ra thành công, các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, tích cực tham gia ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Đặc biệt, trên cơ sở kinh nghiệm công tác và điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị mình, các đại biểu cần tham gia đóng góp ý kiến sát thực, chất lượng, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao.
- Trân trọng cảm ơn ông!