
Hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt
Triển lãm “Đón Trâu Vàng” diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội cuối tháng 1 vừa qua, giới thiệu các tác phẩm trên chất liệu sơn dầu, acrylic, bột màu, giấy dó, gốm Bát Tràng… của nhóm nghệ sĩ G39. Trong đó, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tham gia với các bức tranh trâu đàn quây quần trong khung cảnh bình yên của làng quê; họa sĩ Đỗ Dũng với những tác phẩm có màu sắc mạnh mẽ, táo bạo; họa sĩ Lê Thiết Cương đưa hình tượng con giáp này lên bình gốm... Ngoài gốm, tranh, triển lãm còn trưng bày một số tác phẩm áo trần bông thêu họa tiết trâu của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy - mang tính ứng dụng cao, đưa hội họa vào thực tế đời sống…
Trâu là con vật in đậm trong ký ức tuổi thơ của nhiều người khi nhớ về làng quê Việt Nam. Người xưa có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nói lên sự gần gũi và quan trọng hàng đầu của con trâu đối với cuộc sống của nông dân. Cũng bởi vậy, hình ảnh con trâu xuất hiện nhiều trong thơ ca, thành ngữ, tục ngữ, trong truyện cổ tích, trong địa danh, trong điêu khắc và hội họa của người Việt. Tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh) được tạc từ thời Bắc thuộc; phù điêu gỗ “Chọi trâu” ở đình Liên Hiệp (Hà Nội) thế kỷ XVII cùng với nhiều chạm khắc trang trí quen thuộc ở đình, chùa miền Bắc nhiều thế kỷ trước vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay.
Trên tranh dân gian, đặc biệt là tranh Tết của làng Đông Hồ, hình tượng con trâu cũng xuất hiện với hình ảnh trẻ chăn trâu thổi sáo, thả diều, học tập trên lưng trâu… Không chỉ vậy, linh vật này còn được các họa sĩ Việt Nam vẽ rất nhiều, như những bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm hoặc “Buổi cày sớm”, “Ra đồng” của họa sĩ Lưu Công Nhân… và tiếp tục là cảm hứng cho họa sĩ đương đại.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Nghệ thuật Việt khởi đi từ làng. Nghệ thuật Việt là nghệ thuật làng. Nước Việt là nước làng. Văn minh của người Việt, nước Việt là văn minh lúa nước. Con trâu như cái cột của ngôi nhà văn hóa, văn minh Việt. Hình tượng trâu gắn liền gần gũi, thân thuộc với sự cần cù, chăm chỉ, khỏe mạnh là gợi ý hay cho các nghệ sĩ đưa vào tác phẩm của mình”.
Những gam màu vui tươi
Đã thành truyền thống, tiễn năm cũ đón năm mới, nhóm họa sĩ G39 có triển lãm bày tranh Tết và nay đã là năm thứ 7. Để chuẩn bị cho triển lãm, cách đây 6 tháng, họa sĩ Lê Thiết Cương đã gửi thư mời các họa sĩ tham dự và ông không ngờ, số họa sĩ tham gia lại đông đảo như thế. 96 tác phẩm của 13 họa sĩ và một số tranh của các em nhỏ đã được trưng bày tại triển lãm “Đón Trâu Vàng”. Họa sĩ Lê Thiết Cương lý giải: Những con giáp đã là đề tài quen thuộc, phần lớn các họa sĩ đều đã vẽ, người ít, kẻ nhiều. Đề tài con giống được quan tâm hơn có lẽ vì tính chất đặc biệt của nó. Đó cũng là cái cớ đẹp, gợi cảm, gợi hứng cho tâm trạng giao niên, năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới. Đó cũng là một tục lệ riêng của các họa sĩ mà chưa chắc các ngành nghệ thuật khác dễ gì có được.

Góp mặt tại triển lãm với 6 tác phẩm, họa sĩ Tào Linh cho biết: “Truyền thống treo tranh Tết khá gần gũi với người Việt, nên hầu như họa sĩ nào đến Tết cũng vẽ tranh Tết. Bên cạnh đó, trong 12 con giáp, con trâu gần gũi nhất với người Việt. Về mặt tạo hình cũng rất đẹp, nên là cảm hứng không riêng cho tôi mà cho cả các họa sĩ khác”. Có lẽ vì thế mà đón năm mới Tân Sửu, anh đã vẽ hơn 40 bức tranh trâu, cả tặng, bán và trưng bày.
“Tôi đã trải qua nhiều cái Tết, có Tết nghèo chỉ mong có bánh chưng, được mặc áo mới. Đến nay phần lớn người Việt không phải lo điều ấy nữa, nhưng rất mừng là nhiều người đang cải thiện đời sống tinh thần. Trước kia, đến Tết, nhà nhà mua tranh Đông Hồ dán lên vách, thì nay mua tác phẩm hội họa. Tác phẩm của các nghệ sĩ đã đáp ứng nhu cầu treo tranh Tết, đáp ứng nhu cầu tinh thần của mọi người”.
Họa sĩ Tào Linh
Sửu là 1 trong 12 con vật biểu tượng của vòng tuần hoàn thập nhị địa chi. Năm 2021 - Tân Sửu, Tân thuộc hành thổ/màu vàng. Trâu vàng, con vật biểu tượng của năm 2021 đã được đưa lên các tác phẩm mới nhất của nhóm họa sĩ G39. Mỗi người mỗi hình, mỗi kiểu trâu. Riêng mà chung. “Con trâu ai cũng biết nhưng xem triển lãm này thì thấy các họa sĩ đã khai thác nhiều vẻ. Có người tả thực, có người khai thác hình tượng trâu trong tranh Đông Hồ, có người vẽ theo kiểu lập thể, mang tính biểu hiện, trừu tượng …” - họa sĩ Trần Huy Oánh nhận xét khi tham quan triển lãm.
Mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều gặp nhau ở niềm mong ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, đủ đầy, giàu năng lượng sáng tạo. Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ: Đón Sửu, đón năm mới không chỉ có tranh trâu mà còn nhiều đề tài khác. Tất cả đều chung một giai điệu xuân, vui, mới, tươi trẻ. Người Việt và Nhân dân toàn thế giới vừa trải qua một năm ảm đạm với dịch Covid-19 và thiên tai hoành hành, nên đây là một lý do chính đáng để các họa sĩ tiễn năm cũ đón năm mới bằng những gam màu tươi vui, với ước nguyện truyền năng lượng tích cực, hy vọng cho mọi người.